Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 11/2022 gồm một số bài viết chính sau đây:
“Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển bền vững ở Việt Nam” là tựa đề bài viết của PGS.TS Nguyễn Hữu Đổng (nguyên Giảng viên Cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Thể chế phát triển bền vững được Đảng đặc biệt quan tâm, nêu ra nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nó trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, nhận thức khái niệm thể chế, phát triển, thể chế phát triển bền vững của công dân nói chung, đội ngũ cán bộ (đại biểu dân cử, công chức, viên chức, thẩm phán, kiểm sát viên) trong chính quyền, người làm công việc nghiên cứu, làm luật nói riêng trong xã hội còn hạn chế. Qua bài viết, tác giả phân tích, làm rõ thực chất, hạn chế nhận thức, đồng thời kiến nghị giải pháp xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển bền vững trên nền tảng tư tưởng đúng đắn của Hồ Chí Minh.
Liên quan đến Luật Đất đai năm 2013 đang được Quốc hội thảo luận về nội dung sửa đổi, bổ sung, TS Vũ Ngọc Hà (Học viện Chính trị khu vực I) có bài “Hoàn thiện pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW”. Bài viết tập trung chỉ ra những quan điểm, định hướng cơ bản của Đảng về hoàn thiện pháp luật đất đai được thể hiện trong Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, đồng thời đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật đất đai nhằm thể chế hóa kịp thời quan điểm, định hướng đó.
Quy định về thời hạn sở hữu chung cư đang là vấn đề nóng được dư luận hết sức quan tâm khi Dự thảo lần hai Luật Nhà ở (sửa đổi) lấy ý kiến người dân từ 06/9/2022 đã đưa ra hai phương án mới về quy định này. Đây không phải một quy định chưa có tiền lệ trên thế giới nhưng đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với tâm lý sở hữu nhà đất của người dân thì lại có nhiều ý kiến trái chiều. Liệu rằng quy định này đưa ra có phù hợp với thực tiễn của pháp luật Việt Nam? Bài viết “Quy định thời hạn sở hữu chung cư - Những vấn đề pháp lý và thực tiễn” của 2 tác giả là TS Ngô Ngọc Diễm (Khoa Luật, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) và Chu Huyền My (Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đi sâu phân tích khía cạnh pháp lý của quy định thời hạn sở hữu chung cư và thực tiễn áp dụng quy định này, từ đó nêu ra những vướng mắc còn tồn đọng và kiến nghị giải pháp khắc phục.
Tại các bài viết về chủ đề “xung đột lợi ích trong hành nghề Luật sư” đăng trên Tạp chí Luật sư Việt Nam số 9&10/2022, Luật sư Nguyễn Hải Nam (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đã phân tích khái niệm “xung đột lợi ích”, những yêu cầu về hành vi ứng xử cơ bản của Luật sư, những tình huống điển hình về xung đột lợi ích mà Luật sư phải giải quyết trong khi hành nghề. Trong số 11/2022 này, với bài “Những ngoại lệ cho phép Luật sư thực hiện vụ việc dù có xung đột lợi ích”, tác giả sẽ phân tích về ngoại lệ cho phép Luật sư vẫn được nhận hoặc tiếp tục thực hiện vụ việc cho dù có xung đột lợi ích. Ngoài ra, bài viết còn đề cập đến một số quy tắc khác chứa đựng nội dung về xung đột lợi ích cần lưu ý trong Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư.
“Nguyên nhân ảnh hưởng đến việc phát triển án lệ và giải pháp khắc phục” là bài viết của Thạc sĩ Thái Chí Bình (Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Theo nhận định của tác giả, án lệ chính thức trở thành một loại nguồn luật trong hệ thống pháp luật nước ta kể từ ngày Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ có hiệu lực pháp luật. Trong quá trình áp dụng, mặc dù Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP và Tòa án nhân dân Tối cao ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phát triển án lệ, nhưng cho đến nay, số lượng án lệ được ban hành còn hạn chế, chưa đáp ứng kỳ vọng của Tòa án nhân dân Tối cao và nhu cầu của đời sống pháp lý. Bài viết phân tích thực trạng ban hành án lệ của Tòa án nhân dân Tối cao; nguyên nhân ảnh hưởng đến việc phát triển án lệ và đề xuất giải pháp khắc phục.
Tác giả Đinh Văn Quế (Thạc sĩ Luật học, nguyên Chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân Tối cao) có bài “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tác giả cho biết, Bộ luật Hình sự quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm khẳng định tính chất, nội dung pháp lý, giúp cho mọi người hiểu được thế nào là thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, không phải băn khoăn, lo sợ, biết được hành vi phạm tội của mình trong thời hạn bao lâu thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa và trường hợp nào vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự còn có ý nghĩa phân biệt với thời hiệu thi hành án trong Bộ luật Hình sự và các thời hiệu khác được quy định trong các văn bản pháp luật khác như: thời hiệu khởi kiện dân sự, kinh tế, hành chính, lao động,… Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng có không ít trường hợp khó xác định còn hay hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Bằng kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tố tụng hình sự, tác giả phân tích, làm rõ những yếu tố pháp lý làm căn cứ để tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm nguyên tắc mọi tội phạm đều phải được phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động Luật sư,… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 11/2022.
Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!
BBT