/ Hoạt động Luật sư
/ Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 12/2024

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 12/2024

25/12/2024 15:34 |4 tháng trước

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 12/2024 ra mắt bạn đọc với những bài viết chính dưới đây.

“Nghiên cứu về phát triển bền vững: Tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học” là một nghiên cứu chuyên sâu của GS.TS Vũ Công Giao (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội). Bài viết phân tích khái niệm phát triển bền vững và các hướng nghiên cứu về phát triển bền vững, chứng minh rằng hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực này đòi hỏi phải vận dụng kiến thức và phương pháp nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, trong đó bao gồm luật học. Bên cạnh đó, bài viết cũng phân tích các khái niệm tiếp cận đa ngành, liên ngành khoa học, từ đó suy rộng ra các khái niệm tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học. Từ khái niệm tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học và các hướng nghiên cứu về phát triển bền vững, tác giả đánh giá sự cần thiết, vai trò và gợi mở một số cách thức áp dụng cách tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học trong nghiên cứu về một số nội dung quan trọng của phát triển bền vững.

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 12/2024 - 1

 

TS Liêu Chí Trung (Tạp chí Luật sư Việt Nam) có bài “Nguồn kinh phí và vấn đề thu phí xuất bản của các tạp chí luật học Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra”. Tác giả nhận định: Nguồn kinh phí luôn là mối quan tâm hàng đầu và là yếu tố quan trọng để duy trì bộ máy tổ chức, hoạt động đối với bất kỳ cơ quan báo chí nào. Khoản kinh phí này được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, như: đầu tư từ phía cơ quan chủ quản, tài trợ, phát hành, quảng cáo và hoạt động do cơ quan báo chí tạo ra. Với các tạp chí khoa học, trong đó có các tạp chí luật học, bên cạnh những nguồn kinh phí trên, còn có thể được hình thành từ việc thu phí xuất bản của tác giả. Bài viết tập trung phân tích, làm rõ về thực trạng, những vấn đề đặt ra và nêu lên một số đề xuất, kiến nghị về nguồn kinh phí và việc thu phí xuất bản của các tạp chí luật học Việt Nam hiện nay.

Một trong những điểm nổi bật của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là chế định về mang thai hộ - vấn đề gây tranh cãi và phản ánh nhiều mặt của xã hội và gia đình, đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức, quyền lợi của người mang thai hộ và những hệ lụy về mặt tâm lý và xã hội. Các tác giả ThS Lê Thị Thuận và Nguyễn Thu Hoài (Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn) phản ánh vấn đề này qua bài “Điều kiện mang thai hộ theo pháp luật Việt Nam và một số đề xuất hoàn thiện”. Bài viết phân tích về điều kiện mang thai hộ theo pháp luật Việt Nam, đồng thời đưa ra những kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này.

“Những hạn chế của pháp luật về xử lý các loại tài sản bảo đảm đặc thù trong xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tại Việt Nam và định hướng hoàn thiện” là bài của tác giả Lương Thị Ngọc Huyền (Công ty Luật TNHH số 1 Bắc Ninh). Tài sản bảo đảm đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro tín dụng, bảo đảm quyền lợi của các bên trong giao dịch vay vốn. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản bảo đảm trong thực tiễn, đặc biệt là trong quá trình xử lý nợ xấu vẫn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó có những nguyên nhân xuất phát từ tính chất đặc thù của một số loại tài sản như quyền tài sản, tàu bay, tàu biển, bất động sản hình thành trong tương lai. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến quá trình thu hồi nợ mà còn gây bất ổn cho hệ thống tài chính, làm giảm hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bài viết tập trung làm rõ một số vướng mắc trong pháp luật về xử lý các loại tài sản đặc thù nói trên khi xử lý nợ xấu, từ đó đề xuất một số định hướng hoàn thiện pháp luật.

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, khắc phục nhiều bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử và thực tiễn áp dụng trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm này. Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính không chỉ xâm phạm các quan hệ xã hội liên quan đến cá nhân mà còn xâm phạm đến các quan hệ xã hội liên quan đến tổ chức, ngành hoặc Nhà nước. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về các giai đoạn phạm tội, bài viết “Xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính” của ThS Phạm Mỹ Linh (Khoa Pháp luật hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội) tập trung phân tích các giai đoạn phạm tội đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật, qua đó, góp phần bảo đảm hiệu quả và công bằng trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số 12/2024.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!

BBT

Các tin khác