Như lời đề dẫn của PGS.TS Trần Văn Độ (Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao) trong bài “Bảo đảm nguyên tắc xét xử độc lập của Tòa án nhân dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, cải cách tư pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhiệm vụ đó được thể hiện trong các văn kiện của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước như Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, Hiến pháp năm 2013... Trong cải cách cách tư pháp, bảo đảm thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử luôn là nội dung chủ yếu và quan trọng, được quan tâm hàng đầu. Việc nghiên cứu các vấn đề lý luận về nguyên tắc độc lập xét xử, đánh giá thực trạng để từ đó có các kiến nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế thực hiện nguyên tắc này luôn là vấn đề thời sự, cấp thiết trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW hiện nay.
“Xây dựng pháp luật bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp” là nhan đề bài viết của PGS.TS Trương Thị Hồng Hà (Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học - Ban Nội chính Trung ương). Bài viết phân tích các nhóm nhiệm vụ cần thực hiện, đồng thời đề xuất một số giải pháp đột phá xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam.
TS Nguyễn Hồng Sơn (Phó Vụ trưởng Vụ địa phương 1, Văn phòng Trung ương Đảng) có bài “Một số đặc trưng của hệ thống pháp luật Việt Nam và giải pháp đột phá định hướng xây dựng và hoàn thiện”. Trên cơ sở phân tích những đặc trưng của hệ thống pháp luật Việt Nam, bài viết đề xuất 07 giải pháp đột phá định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trong điều kiện xã hội phát triển, bổ trợ tư pháp đóng vai trò ngày càng quan trọng. Thực tiễn cũng cho thấy, để các lĩnh vực này hoạt động hiệu quả và phát triển không thể chỉ hoàn toàn do Nhà nước thành lập ra, rồi “bao bọc”, mà còn cần đến sự tham gia của cộng đồng, nhất là từ các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, điều kiện theo quy định của pháp luật. Về nội dung này, TS.LS Liêu Chí Trung (Phó Tổng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam) có bài Hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa các lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo Nghị quyết 27-NQ/TW”. Bài viết nêu lên những vấn đề cơ bản và đề xuất một số giải pháp huy động nguồn lực để xã hội hóa, phát triển đối với công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được khẳng định rõ tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Luật sư. Bài viết “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Luật sư đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” của LS Lê Quang Y (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) thể hiện quan điểm về một số khía cạnh nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nghề Luật sư ở Việt Nam nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực pháp luật Việt Nam.
Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động Luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 5/2023.
Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!
BBT