/ Tin nổi bật
/ Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 6/2022

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 6/2022

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 6/2022 xoay quanh chủ đề: “Thực tiễn tố tụng hành chính hiện nay ở Việt Nam” với những bài nghiên cứu - trao đổi chuyên sâu.

 

Trong quan hệ pháp luật hành chính, quyền khiếu nại và khởi kiện đều là quyền của công dân khi có cơ sở cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính của người, cơ quan có thẩm quyền là trái pháp luật xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Trên thực tế, không ít người vẫn hay nhầm lẫn giữa khiếu nại và khởi kiện hành chính cùng là một. Tuy nhiên, đây là hai phương thức hoàn toàn khác nhau được điều chỉnh bởi các luật khác nhau và được giải quyết theo trình tự, thủ tục khác nhau. Với bài “Phân biệt khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính”, Luật sư Đặng Hồng Dương (Công ty Luật TNHH Sao Sáng) đã phân tích kỹ những điểm khác nhau giữa hai phương thức này.

Thực tế cho thấy, số lượng án hành chính có liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ tương đối cao, đa số vụ án hành chính là khởi kiện các quyết định về thu hồi đất. Đặc thù về tính chất của những án hành chính liên quan đến đất đai thường phức tạp và rất khó. Giải quyết, xét xử án hành chính về lĩnh vực đất đai do vậy cũng gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế này, tác giả Nguyễn Phi Hùng (Tòa án Quân sự Quân khu 4) có bài “Giải quyết các vụ án hành chính về đất đai - thực trạng và giải pháp”. Bài viết tập trung phân tích thực trạng áp dụng pháp luật giải quyết vụ án hành chính về đất đai như về chủ thể khởi kiện, đối tượng khởi kiện, thẩm quyền giải quyết…; qua đó kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải quyết vụ án hành chính về đất đai.

Do tính chất đặc thù của tố tụng hành chính dẫn đến việc bên bị kiện luôn là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước nên bên bị kiện thường có vị thế cao hơn hẳn bên đi kiện. Mặt khác, cơ quan, tổ chức, cá nhân đi kiện thường ít hoặc không am hiểu pháp luật cũng như công việc, quy trình liên quan đến hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Chính vì vậy, việc tham gia của Luật sư trong vụ án hành chính rất cần thiết và đương sự có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ Luật sư hoặc người khác có đủ điều kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, khác với vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh - thương mại,… vai trò của Luật sư đã được ghi nhận từ lâu, nhưng trong vụ án hành chính mới được đề cập trong thời gian gần đây và chưa thực sự đầy đủ. Cụ thể hoạt động hỗ trợ pháp lý của Luật sư cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong vụ án hành chính được thực hiện thông qua các giai đoạn tố tụng cụ thể nào, khó khăn vướng mắc ra sao và hướng khắc phục như thế nào, được thể hiện đầy đủ trong bài “Vai trò của Luật sư trong vụ án hành chính” của Tiến sĩ, Luật sư Ngô Văn Hiệp (Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh).

Mục Nghiên cứu - Trao đổi kỳ này còn có bài “Phòng chống tham nhũng từ khía cạnh văn hóa và pháp lý” của Thạc sĩ Nguyễn Văn Hợi (Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông). Tác giả cho rằng, tham nhũng là hiện tượng của mọi nhà nước, tùy vào những đặc điểm về văn hóa, lịch sử, pháp lý, năng lực quản lý, điều hành mà có sự khác nhau về quy mô và mức độ. Dưới góc nhìn văn hóa, tham nhũng là hành vi phản văn hóa. Văn hóa, tự thân nó luôn là sự phản ánh những giá trị tốt đẹp, chân, thiện, mỹ để hướng tới một xã hội nhân văn. Tham nhũng là hành vi có ý thức đi ngược lại với văn hóa. Dưới góc độ pháp lý, tham nhũng là biểu hiện của hệ thống pháp luật lỏng lẻo, thiếu đồng bộ và việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm, chưa có cơ chế đủ mạnh và hiệu quả để kiểm soát quyền lực và những nguy cơ để xảy ra tham nhũng. Bài viết đề xuất một số giải pháp phòng chống tham nhũng từ khía cạnh văn hóa và pháp lý.

Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), mục Văn hóa - Xã hội có bài “Khi Luật sư song hành cùng báo chí” của tác giả Thạc sĩ, Luật sư Đào Ngọc Lý. Tác giả nhận xét: Có nhiều vụ việc vô cùng khó khăn phức tạp, hoặc đã kéo dài rất nhiều năm, hoặc khá nhạy cảm nguy hiểm, hoặc vướng mắc tưởng chừng không thể giải quyết được… nhưng khi Luật sư song hành cùng báo chí thì không ít trường hợp đã xoay chuyển tình thế rất ngoạn mục, khiến sự việc được xem xét, giải quyết một cách vô cùng thuận lợi và nhanh chóng. Sự phối kết hợp chỉ thành công và hiệu quả khi Luật sư có thiên hướng và tố chất của nhà báo hoặc trường hợp Luật sư biết kết hợp cùng những nhà báo chân chính, có khả năng nhanh chóng phát hiện và nắm bắt bản chất sự việc, có kỹ năng nghề báo sắc sảo và thuyết phục, có phẩm chất uy tín, luôn dũng cảm kiên định trong suốt hành trình bảo vệ công lý và lẽ phải. 

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động Luật sư,… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 6/2022.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc! 

BBT

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 3/2022

Lê Minh Hoàng