/ Tin tức
/ Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 7/2023

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 7/2023

21/07/2023 06:18 |

(LSVN) - “Tác động của chuyển đổi số đến hoạt động lập đề nghị xây dựng luật ở Việt Nam hiện nay” của Thạc sĩ Ngô Tuyết Mai (Trường Đại học Luật Hà Nội) là một trong những bài nghiên cứu nổi bật tại Tạp chí Luật sư Việt Nam số 7/2023 lần này.

Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 7/2023 bao gồm một số bài viết chính như sau:

“Tác động của chuyển đổi số đến hoạt động lập đề nghị xây dựng luật ở Việt Nam hiện nay” là nội dung bài nghiên cứu của ThS Ngô Tuyết Mai (Trường Đại học Luật Hà Nội). Tác giả nhận định, chuyển đổi số đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hoạt động này đang ngày một thay đổi nhận thức của bộ máy chính quyền nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chuyển đổi số trong kỷ nguyên 4.0 với bối cảnh thế giới vừa trải qua dịch bệnh Covid-19 vừa là thách thức, lại vừa là cơ hội lớn cho hoạt động xây dựng luật ở nước ta hiện nay. Lập đề nghị - giai đoạn đầu tiên trong quy trình xây dựng luật cũng không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số này. Bài viết trình bày về nhu cầu chuyển đổi số đối với hoạt động lập đề nghị xây dựng luật, bên cạnh đó bàn luận một vài ý kiến xoay quanh tác động của chuyển đổi số đến hoạt động này và đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lập đề nghị xây dựng luật ở nước ta thời gian tới.

Liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhóm tác giả đang công tác tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Công ty luật ThinkSmart có bài “Chế độ sử dụng đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Bài viết phân tích thực trạng và quy định pháp luật hiện hành về tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư vào bất động sản, sở hữu nhà ở tại Việt Nam, từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Bên cạnh tài nguyên là đất đai thì quản lý rừng bền vững đặt ra như một yêu cầu cơ bản và bức thiết ở mỗi quốc gia để thực hiện nhiệm vụ là bảo vệ môi trường nói chung, bởi môi trường rừng đóng vai trò quan trọng trong việc làm sạch và xanh môi trường sống của con người. Từ các yêu cầu của các Công ước quốc tế về bảo vệ rừng bền vững mà Việt Nam tham gia, các yêu cầu về quản lý rừng bền vững được triển khai ở Việt Nam và được trực tiếp thực thi bởi những người dân ở khu vực có rừng và được thể hiện cụ thể qua các hương ước quản lý rừng. Với bài “Hương ước bảo vệ rừng và pháp luật về quản lý rừng bền vững”, hai tác giả là TS Dương Kim Thế Nguyên (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) và PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) nêu các yêu cầu đặt ra từ các Công ước quốc tế về quản lý rừng bền vững, từ đó xem xét hiệu quả và thực tiễn bảo vệ rừng thông qua các hương ước, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng bền vững.

Cùng đề tài về quản lý và bảo vệ rừng, ThS.LS Đinh Văn Quế (Nguyên Chánh tòa hình sự, Tòa án nhân dân Tối cao) có bài “Tìm hiểu về tội hủy hoại rừng”. Trên cơ sở các quy định tại Điều 243, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Hủy hoại rừng", tác giả đã giải thích một cách khoa học về dấu hiệu pháp lý của tội phạm này, đồng thời làm rõ sự khác biệt trong một số quy định của tội hủy hoại rừng ở Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 1999.

“Bàn về dịch vụ pháp lý đại diện của Luật sư và đại diện theo ủy quyền của cá nhân, pháp nhân khác” là bài viết của Luật gia Thiều Hữu Minh (Hội Luật gia tỉnh Gia Lai). Từ việc phân tích quy định của pháp luật và thực tiễn giao dịch, tác giả chỉ ra những điểm khác nhau cần phân biệt giữa hai loại dịch vụ có nhiều nét tương đồng được cung cấp bởi hai chủ thể khác nhau, đó là dịch vụ pháp lý đại diện do tổ chức hành nghề Luật sư hoặc Luật sư thực hiện và đại diện của cá nhân, pháp nhân khác thực hiện.

Cùng chủ đề về hoạt động hành nghề của Luật sư, ThS Ngô Thị Hồng Ánh (Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh) có bài “Luật sư làm chứng trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Bài viết nêu một thực trạng khá phổ biến hiện nay là việc Luật sư đứng ra làm chứng trong các giao dịch về chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất không đủ điều kiện chuyển nhượng, thậm chí chủ thể chuyển nhượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Qua đó, kiến nghị một số giải pháp góp phần hoàn thiện quy định pháp luật, nâng cao đạo đức hành nghề của Luật sư, bảo đảm môi trường pháp lý công khai, minh bạch, tôn trọng pháp luật ở Việt Nam hiện nay.

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động Luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 7/2023.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!

BBT

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 6/2023

Nguyễn Hoàng Lâm