/ Hoạt động Luật sư
/ Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 8/2022

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 8/2022

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Với chủ đề "Tranh chấp và giải quyết tranh chấp lao động", Tạp chí Luật sư Việt Nam số 8/2022 có các bài: Tranh chấp lao động cá nhân - thực tiễn và giải pháp hạn chế; Xử phạt vi phạm hành chính với hoạt động cho thuê lại lao động; Giải quyết tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài; Thực tiễn giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án; Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các tranh chấp lao động.

Quý độc giả đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 8/2022, nội dung phong phú với một số bài viết chính như sau:

PGS.TS Đinh Công Tuấn và TS Ngô Ngọc Diễm (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) có bài "Quản lý nhà nước về di sản văn hóa và những vấn đề đặt ra". Các tác giả nhận định, di sản văn hóa từ lâu đã là một niềm tự hào của mỗi quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Bởi nó không đơn thuần là nét đẹp văn hóa mà còn được xem như yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và phát triển bền vững của một đất nước. Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa luôn được quan tâm, tạo điểm nhấn và hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị những di sản văn hóa quý báu của dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn di sản văn hóa, tín ngưỡng, tinh thần của nhân dân. Dù vậy, cần phải tiếp tục nâng cao, tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị di sản văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong việc gìn giữ, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Qua phân tích những quy định của pháp luật hiện hành về quản lý di sản văn hóa, những vấn đề đặt ra từ thực tiễn quản lý nhà nước về di sản văn hóa, các tác giả đã đề xuất một số giải pháp hoàn thiện nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa trong thời gian tới.

Bàn thêm về khái niệm “nhà nước pháp quyền” là tựa đề bài viết của PGS.TS Nguyễn Hữu Đổng, nguyên Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tác giả bài viết cho rằng, nhà nước pháp quyền là khái niệm được nhiều người quan tâm nghiên cứu, chỉ ra tính chất hình thức, bản chất nội dung sự thật; tuy nhiên, khái niệm này chưa được làm rõ về thực chất nguyên lý thật của nó.

Theo tác giả, nhà nước pháp quyền được hiểu là quốc hội, chính phủ, Tòa án trong chính quyền nhân dân của quốc gia xác định nguyên tắc xây dựng, thực hiện pháp luật kiến tạo phát triển bền vững thế giới tự nhiên và xã hội loài người. Bằng tư duy sáng tạo, tác giả phân tích sự thật và lý giải khái niệm nhà nước pháp quyền, hạn chế và nguyên nhân sai lầm nhận thức nó, đồng thời kiến nghị giải pháp khắc phục ở Việt Nam trên nền tảng tư tưởng đúng đắn của Hồ Chí Minh.

Tác giả Nguyễn Phi Hùng (Tòa án Quân sự Quân khu 4) có bài "Pháp nhân theo Bộ  luật Dân sự năm 2015". Bộ luật Dân sự năm 2015 được ban hành là một bước tiến bộ lớn của pháp luật dân sự Việt Nam. Trong đó, quy định mới về pháp nhân nói chung góp phần làm cơ sở cho Nhà nước điều chỉnh hành vi của chủ thể này, đặc biệt liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy vậy, các quy định về pháp nhân theo Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tạo nên sự nhận thức không thống nhất, dẫn đến hiểu sai bản chất của pháp nhân, làm ảnh hưởng tới vấn đề thực thi trên thực tế, do đó cần có những nghiên cứu nhằm đề xuất định hướng hoàn thiện, góp phần điều chỉnh hiệu quả hành vi của pháp nhân trên thực tế.

Với nhận định trên, tác giả bài viết tập trung phân tích những bất cập của các quy định về pháp nhân theo Bộ luật Dân sự năm 2015 (bao gồm các quy định về khái niệm pháp nhân, phân loại pháp nhân, về phạm vi và giới hạn quyền đại diện pháp nhân…), từ đó gợi ý một số định hướng nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về pháp nhân theo Bộ luật Dân sự năm 2015.

Liên quan đến chủ đề tranh chấp và giải quyết tranh chấp lao động, Tạp chí số này có các bài: Tranh chấp lao động cá nhân - thực tiễn và giải pháp hạn chế; Xử phạt vi phạm hành chính với hoạt động cho thuê lại lao động; Giải quyết tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài; Thực tiễn giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án; Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các tranh chấp lao động.

Ở bài "Tranh chấp lao động cá nhân - thực tiễn và giải pháp hạn chế", tác giả Trần Thị Nhã Nhung (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết, trong những năm gần đây, các tranh chấp xảy ra trong lĩnh vực lao động ở nước ta ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là việc tranh chấp về tiền lương, thu nhập, hợp đồng lao động. Việc pháp luật quy định một cơ chế giải quyết tranh chấp lao động cá nhân phù hợp sẽ bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như góp phần ổn định quan hệ lao động. Tuy nhiên hiện nay, hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp lao động cá nhân còn nhiều bất cập, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền còn lúng túng trong việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, vì thế nhiều trường hợp lợi ích hợp pháp của người lao động còn chưa được bảo vệ đúng mức. Bài viết nêu lên thực trạng, những khó khăn vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và đưa ra một số khuyến nghị khắc phục tình trạng này.

Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) với bài "Thực tiễn giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án" đã cho độc giả thấy, mặc dù pháp luật lao động hiện hành đã quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động của Tòa án, tuy nhiên thực tiễn vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: (i) đa phần các tranh chấp lao động hiện nay đều do Tòa án giải quyết, điều này đã gây áp lực lên các cơ quan Tòa án khi phải giải quyết một số lượng án lao động lớn, kết quả là án tồn động qua năm, không được giải quyết kịp thời nên không bảo đảm được quyền lợi của các bên trong tranh chấp lao động, nhất là quyền lợi của người lao động, trong khi pháp luật hiện hành cho phép các bên có thể tự giải quyết tranh chấp lao động thông qua thương lượng hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của hòa giải viên lao động, hội đồng trọng tài lao động; (ii) vẫn còn xảy ra tình trạng Tòa án xét xử sơ thẩm thiếu căn cứ pháp luật, nhiều lỗ hổng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, nên Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy hoặc sửa án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, kéo dài thời hạn giải quyết tranh chấp lao động; (iii) việc giải quyết tranh chấp lao động của Tòa án còn gặp một số trở ngại do người lao động khó khăn trong thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền lợi của mình bị xâm phạm, cũng như gửi đơn khởi kiện đến Tòa án không đúng thẩm quyền; (iv) cơ chế giải quyết tranh chấp lao động thông qua Tòa án không phù hợp với những tranh chấp lao động mà các bên mong muốn được giải quyết nhanh chóng cũng như những tranh chấp lao động nhỏ, không phức tạp bởi cơ chế này sẽ làm các bên mất nhiều thời gian, công sức cũng như chi phí tố tụng…

Bài "Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các tranh chấp lao động" của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đề cập đến các kỹ năng cần thiết của Luật sư khi tham gia giải quyết các tranh chấp lao động, như: kỹ năng trao đổi với khách hàng về việc khởi kiện vụ án tranh chấp lao động; kỹ năng trong việc chuẩn bị hồ sơ khởi kiện cho khách hàng; kỹ năng trong việc nghiên cứu hồ sơ, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong các vụ án tranh chấp lao động…

Tác giả đúc kết: Những kỹ năng của Luật sư trong các vụ án lao động không nằm ngoài những kỹ năng chung của Luật sư trong các vụ án có tính chất dân sự khác, song cần được thực hiện phù hợp với những đặc thù của các vụ án lao động cần giải quyết. Việc áp dụng những kỹ năng chung này cho phù hợp với đặc thù của loại vụ án lao động cũng là một trong những kỹ năng của Luật sư. Tuy ở một phạm vi rộng hơn, việc cụ thể hóa các kỹ năng của Luật sư trong việc giải quyết những tranh chấp dân sự nói chung vào việc giải quyết những tình huống cụ thể đặc thù của từng loại quan hệ là một kỹ năng thực sự cần thiết của các Luật sư. Việc đó chỉ có thể có được khi người Luật sư nắm vững được các yếu tố đặc thù quy định những điểm đặc trưng đối với mỗi loại vụ việc.

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động Luật sư,… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 8/2022.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc! 

BBT

Ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp thâu tóm, độc quyền tần số vô tuyến điện

Loan B T Thanh