/ Tin nổi bật
/ Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số tháng 3/2023

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số tháng 3/2023

20/03/2023 15:00 |

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 3/2023 gồm những bài viết đặc sắc của các tác giả là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, Luật sư…

Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 3/2023 gồm một số bài viết chính sau đây:

Vấn đề thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động giữa người gửi tiền và các ngân hàng thương mại đang diễn ra khá phổ biến, gây ảnh hưởng, tác động rất lớn đến việc thực hiện chính sách tiền tệ và còn vi phạm quy định của pháp luật ngân hàng. Bài viết “Thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động: Thực trạng và giải pháp” của TS Nguyễn Vinh Hưng (Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích về thực trạng thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại hiện nay, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động này và để bảo đảm an toàn, hiệu quả cho toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại.

“Hoàn thiện quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong Luật Cạnh tranh năm 2018” là tiêu đề bài viết của tác giả Nguyễn Minh Phú (Đại học Cần Thơ). Trên cơ sở nghiên cứu quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018 về hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, bài viết chỉ ra một số bất cập đang tồn tại trong chế định trên, đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm giúp hoàn thiện hơn quy định pháp luật, góp phần bảo đảm cạnh tranh trong kinh doanh ở Việt Nam được diễn ra một cách thuận lợi và tích cực.

Thời gian gần đây, trên khắp các nền tảng mạng xã hội, phần mềm ChatGPT nổi lên như một hiện tượng mới. Giới trẻ thi nhau tương tác, trò chuyện với ChatGPT, thậm chí sinh viên còn áp dụng hỗ trợ cho việc viết luận văn hoàn thành khóa học. Đây là một sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các tương tác theo bối cảnh. Trí thông minh nhân tạo phổ biến đã có trước đó là Google, ChatGPT phát triển ở cấp độ cao hơn, thông minh hơn và gần với người thật hơn. Phần mềm này có khả năng xử lý dữ liệu lớn, tự học, tự rút kinh nghiệm khiến cho nó thông minh hơn và có khả năng thoát khỏi sự phụ thuộc vào con người. Điều gì sẽ xảy ra khi một phần mềm máy tính có khả năng tham gia sâu hơn, tác động trực tiếp tới đời sống của con người và liệu pháp luật Việt Nam sẽ điều chỉnh những vấn đề này như thế nào? Bài viết “Cơ sở pháp lý điều chỉnh những vấn đề liên quan đến phần mềm ChatGPT” của các tác giả TS Ngô Ngọc Diễm (Đại học Văn hóa Hà Nội) và Chu Huyền My (Công ty Luật ThinkSmart) tìm hiểu về những vấn đề liên quan và cơ sở pháp lý điều chỉnh phần mềm ChatGPT này.

Thực hiện và chấm dứt hợp đồng lao động là nội dung cơ bản của chế định hợp đồng lao động nhằm ràng buộc trách nhiệm pháp lý giữa các bên. Trước sự bùng nổ của khoa học-công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, các thách thức đan xen cơ hội mới sau đại dịch Covid-19 đều là những nhân tố khiến hoàn cảnh thay đổi đã tác động trực tiếp đến quan hệ pháp luật lao động. Thực hiện và chấm dứt hợp đồng lao động do hoàn cảnh thay đổi tại đơn vị sử dụng lao động đối với những địa bàn có nhiều trung tâm công nghiệp đã và đang thực sự là mối quan tâm lớn của thị trường lao động. Trên cơ sở thu thập thông tin gắn kết giữa quy phạm pháp luật hiện hành với thực tiễn, bài viết “Về thực hiện và chấm dứt hợp đồng lao động do hoàn cảnh thay đổi” của tác giả Nguyễn Thanh Bình (Viện Nghiên cứu pháp luật phía Nam) nêu lên một số bất cập cần được hoàn thiện nhằm áp dụng pháp luật lao động thống nhất trên phạm vi cả nước.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân theo Kế hoạch của Chính phủ. Tạp chí Luật sư Việt Nam kỳ này cũng đăng tải một số ý kiến đóng góp của các luật sư tại Hội thảo “Đóng góp ý kiến của Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức. Đó là các ý kiến liên quan đến các vấn đề: Quyền tiếp cận thông tin về đất đai của người dân của ThS.LS Đặng Thị Ngọc Hạnh (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế); về cơ chế xác định giá đất của LS Nguyễn Đình Hải (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai); về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của LS Nguyễn Hoàng Nhật Thi (Phó giám đốc Công ty Luật TNHH T&P).

Cũng về nội dung góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ThS Lê Thị Minh Trâm (Khoa Luật, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) có bài “Hoàn thiện pháp luật về quy hoạch sử dụng đất”. Bài viết phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch sử dụng đất, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện các quy định này.

Ngày 01/01/2023, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ chính thức có hiệu lực (Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi). Luật này đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều nội dung từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng và giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ… Qua bài “Những thay đổi về hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp từ ngày 01/01/2023”, LS Nguyễn Hoàng Hải (Công ty luật Credent) cho độc giả biết những thay đổi liên quan đến điều kiện hành nghề và hoạt động đại diện đại diện sở hữu công nghiệp. Đặc biệt sẽ có nhiều thuận lợi cho luật sư tham gia hành nghề trong lĩnh vực này.

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 3/2023.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!

BBT

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam Xuân Quý Mão (số 1+2/2023)

Nguyễn Hoàng Lâm