/ Hoạt động Luật sư
/ Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số tháng 4/2023

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số tháng 4/2023

18/04/2023 09:17 |

(LSVN) - Tiếp tục chủ đề "Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)", nội dung chính của Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 4/2023 là các bài nghiên cứu, phân tích những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến đất đai.

Mở đầu chủ đề là bài “Pháp luật về đất tôn giáo, thực trạng và những vấn đề đặt ra” của PGS.TS Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam). Bài viết đề cập các quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành về đất tôn giáo và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn thi hành. Bên cạnh đó, các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về đất tôn giáo cũng được đưa ra phân tích, đánh giá và nêu một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về đất tôn giáo trong dự thảo Luật này.

NCS Ngô Thị Hồng Ánh (Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh) có bài “Về hạn mức và thời hạn sử dụng đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”. Từ nhận định cho rằng, quy định về thời hạn sử dụng đất và hạn mức sử dụng đất trong Luật Đất đai hiện hành còn nhiều bất cập, hạn chế, tác giả đi sâu phân tích các quy định về thời hạn và hạn mức sử dụng đất theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), qua đó đề xuất những kiến nghị nhằm bảo đảm quy định pháp luật phù hợp và khả thi trên thực tế.

Định giá đất không chỉ là công cụ để Nhà nước thiết lập cơ chế quản lý đất đai, tạo cơ sở cho sự chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các chủ thể mà đây còn là căn cứ để các chủ thể sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai và được hưởng sự đền bù khi Nhà nước thu hồi đất. Các quy định về định giá đất trong Luật Đất đai năm 2013 đã trở thành nền tảng quan trọng để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh nước ta có nhiều thay đổi, những hạn chế, bất cập trong quy định về định giá đất đã dần lộ rõ, vì vậy vấn đề này cần phải được sửa đổi, bổ sung. Nhóm tác giả gồm: ThS Trần Linh Huân (Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh), ThS Trịnh Tường Khiêm (Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh) và ThS Phạm Thị Hải Vân (Trường Đại học Phan Thiết) có bài “Định giá đất theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và một số góp ý hoàn thiện” nhằm phân tích, so sánh và đánh giá các quy định về giá đất, định giá đất giữa Luật Đất đai năm 2013 và dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, từ đó đưa ra một số góp ý nhằm hướng tới sự hoàn thiện nội dung giá đất, định giá đất trong hệ thống pháp luật về đất đai.

“Một số vấn đề về quy định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi sửa đổi Luật Đất đai” là tựa đề bài viết TS Đinh Văn Liêm (Khoa Luật học, Trường Đại học Vinh). TS Liêm nhận xét: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định khá rõ ràng về thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục nguyên tắc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung chưa rõ về tiêu chí để định lượng, cần được nghiên cứu và làm rõ. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích, đánh giá quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, chỉ ra một số điểm bất cập và đề xuất kiến nghị hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về vấn đề này.

Cũng trong số này, PGS.TS.LS Chu Hồng Thanh (Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) có bài “Bản chất, đặc điểm của kiểm soát quyền lực Nhà nước”. PGS.TS.LS Chu Hồng Thanh nhận định: Vấn đề cốt lõi có tính bản chất của xây dựng Nhà nước vững mạnh, Nhà nước quản trị tốt theo những nguyên tắc pháp quyền và chống lại một cách có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực là phải kiểm soát cho được quyền lực Nhà nước. Để kiểm soát được quyền lực Nhà nước thì phải thấy rõ những đặc điểm, bản chất và đặc trưng cơ bản của nó. Bài viết của tác giả đã đi sâu phân tích, làm rõ những nội dung này.

Mục Kiến thức kỳ này là bài viết của ThS.LS Đinh Văn Quế về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Trên cơ sở các quy định tại Điều 250, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy", đối chiếu với thực tiễn xét xử các vụ án về ma túy, tác giả đã giải thích một cách khoa học về dấu hiệu pháp lý của tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đồng thời cung cấp cho độc giả những thông tin liên quan đến quá trình xây dựng điều luật này qua các thời kỳ nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm về ma túy.

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 4/2023.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!

BBT

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số tháng 3/2023

Nguyễn Hoàng Lâm