/ Đời sống - Xã hội
/ Đồng Nai: Người dân được đi lại trong tỉnh, bỏ 'giấy đi đường', chốt kiểm soát

Đồng Nai: Người dân được đi lại trong tỉnh, bỏ 'giấy đi đường', chốt kiểm soát

08/10/2021 14:14 |

(LSVN) - Đồng Nai vừa có Chỉ thị cho phép mở lại nhiều hoạt động từ ngày 09/10. Trong đó, người dân được đi lại trong nội bộ tỉnh, bỏ giấy đi đường đã quy định trước đây, bỏ các chốt kiểm soát.

Ảnh minh họa.

Tối ngày 08/10, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Chỉ thị 19 về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong tình hình mới, với một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đối với khu vực ngoài vùng phong tỏa, bắt đầu từ 00h ngày 09/10.

Cụ thể, đề nghị người dân luôn nêu cao ý thức tự giác, chủ động và động viên người thân cùng gia đình tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và sống an toàn; thực hiện nghiêm thông điệp "5K".

Người dân đã được tiêm ít nhất 01 mũi vaccine (sau 14 ngày) hoặc người khỏi bệnh Covid-19 dưới 06 tháng được lưu thông nội tỉnh. Khuyến cáo người chưa được tiêm vaccine chỉ tham gia lưu thông khi thật sự cần thiết.

Quá trình tham gia lưu thông, người dân phải sử dụng mã QR trên ứng dụng PC-COVID và thể hiện lịch sử tiêm chủng. Trường hợp không có mã QR thì xuất trình giấy xác nhận đã tiêm vaccine (ít nhất 01 mũi đối với loại vaccine tiêm 02 mũi và sau 14 ngày) hoặc giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19 dưới 06 tháng khi các cơ quan chức năng yêu cầu.

Đối với việc đi lại ngoài tỉnh khi thực sự cần thiết phải di chuyển thì thực hiện theo đúng và tuân thủ các quy định, yêu cầu của địa phương nơi đến.

Bên cạnh đó, bãi bỏ các loại "giấy đi đường" đã quy định trước đây; hạn chế lưu thông từ 18h hôm trước đến 06h sáng hôm sau. Bãi bỏ các chốt kiểm soát, chuyển qua hoạt động các tổ tuần tra kiểm soát trên từng địa bàn; chỉ duy trì các chốt kiểm soát giáp ranh tỉnh, thành phố lân cận và các chốt phong tỏa trong phạm vi hẹp.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được mở lại, bao gồm các cơ quan đơn vị nhà nước; các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời; hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ; đám tang, đám cưới… Riêng hoạt động giáo dục, đào tạo vẫn tiếp tục dạy học gián tiếp trên Internet và truyền hình; từng bước củng cố các điều kiện để có thể kết hợp dạy học trực tiếp.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ được hoạt động lại bao gồm kinh doanh sản xuất nông lâm ngư nghiệp, thú y; công trình giao thông, xây dựng, hàng hóa thiết yếu, tổ chức tín dụng, ngân hàng; sửa chữa, bảo trì xe máy, thiết bị; trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chợ đầu mối, chợ truyền thống; cơ sở cắt tóc, gội đầu… Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ được bán hàng mang về.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng hóa trong và ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiếp tục hoạt động theo các quy định đã ban hành trước đó. Các cơ sở khám chữa bệnh (trừ phẫu thuật thẩm mỹ), cơ sở kinh doanh, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế công lập, ngoài công lập được hoạt động trở lại.

Điều kiện để người dân tham gia các hoạt động trên có thể kèm theo các yêu cầu về giữ khoảng cách, số người tập trung, tiêm vaccine, xét nghiệm âm tính…

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, địa phương triển khai thực hiện nhưng luôn đảm bảo công tác phòng chống dịch theo quy định; kịp thời ghi nhận, tiếp thu các phản ánh, đánh giá của người dân để điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế.

Giao UBND các huyện, thành phố tổ chức thành lập các Đoàn/Tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên, đột xuất kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chủ động phối hợp ngành y tế, công thương và các đơn vị liên quan xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm việc điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp tại địa phương đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, an toàn.

VŨ MINH

Việt Nam ghi nhận thêm 4.806 ca mắc Covid-19, riêng TP. Hồ Chí minh có 2.215 ca

Nguyễn Lâm