(LSVN) - Khi quyết định trưng mua toàn bộ Cơ sở sản xuất gạch ngói Hồng Tâm diện tích trên 17.000 m2 của bà Nguyễn Thị Nghị, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ áp giá số tiền là 67.158.528 đồng mà không tính đến giá trị đất để đền bù. Phải chăng, chính quyền tỉnh Đồng Nai lúc bấy giờ đã không áp dụng luật một cách đầy đủ dẫn đến thiệt thòi quá nhiều năm nay cho gia đình bà Nguyễn Thị Nghị, một gia đình sản xuất gạch ngói truyền thống từ trước năm 1975?
Bản đồ hiện trạng khu đất Lò gạch Hồng Tâm được vẽ năm 1992.
Cơ sở sản xuất gạch ngói Hồng Tâm có diện tích 17.079m2 của bà Nguyễn Thị Nghị, sinh năm 1922, tọa lạc tại phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hoạt động từ cuối năm 1966. Đến tháng 9/1975, Sở Vật tư Khu Đông Nam bộ tiếp quản cơ sở này để sản xuất kinh doanh, đông thời có thỏa thuận“mỗi tháng sau khi thanh toán tiền vốn, tu bổ lò, còn lại tiền lãi Sở Vật tư đồng ý tính 10 phần trăm cho bà Nghi chi tiêu gia đình”.
Tháng 8/1976, Cơ sở gạch ngói Hồng Tâm được bàn giao cho Ty Xây dựng tỉnh Đồng Nai và sau này thuộc Liên hiệp Xí nghiệp 3/2 quản lý.
Nhưng sau đó nhiều năm liền, bà Nguyễn Thị Nghị đã làm đơn xin lại cơ sở gạch ngói để gia đình trực tiếp sản xuất mưu sinh, nhưng không được sự đồng ý của chính quyền.
Được biết, ngày 05/11/1990, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 1536/QĐ-UBT về việc thực hiện chính sách cải tạo các cơ sở sản xuất tư nhân thuộc ngành xây dựng bằng hình thức trưng mua Cơ sở sản xuất gạch ngói Hồng Tâm tại phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa của bà Nghị với số tiền 67.158.582 đồng. Trong quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai có ghi rõ, thời hạn thanh toán xong trước ngày 31/12/1990. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Nghị đã không chấp thuận nhận tiền số tiền này.
Trong một báo cáo của Sở Xây dựng Đồng Nai gửi UBND tỉnh này ngày 16/09/1998 xung quanh việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Nghị, có đề cập “theo chính sách lúc bấy giờ không tính giá trị đất”(?!).
Mãi hơn 8 năm sau kể từ ngày có quyết định trưng mua Cơ sở sản xuất gạch ngói Hồng Tâm, ngày 01/3/1999 mới có cuộc họp giữa đại diện Cục Quản lý vốn - tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai và bà Nguyễn Thị Nghị (cùng con trai là ông Hồng Văn Minh) để giải quyết tiền trưng mua lò gạch Hồng Tâm. Hôm đó, bà Nghị bày tỏ thật lòng vẫn chấp hành chủ trương trưng mua của Nhà nước, nhưng bà chưa đồng ý giá trưng mua của UBND tỉnh Đồng Nai chỉ với mức trên 67 triệu đồng. Đồng thời bà kiến nghị trong biên bản họp xin được: “Tính tổng giá trị xây dựng cơ sở theo giá hiện tại trừ lại tỷ lệ phần trăm theo biên bản kiểm kê” hoặc “Lấy giá gạo loại trung bình thời điểm tháng 10/1990 làm cơ sở để tính giá trưng mua lúc đó, nay đề nghị lấy giá gạo trung bình thời điểm hiện tại (tháng 10/1998) để tính giá trưng mua trả cho bà”.
Do bà Nghị không nhận tiền trưng mua và UBND tỉnh Đồng Nai cũng không thống nhất với kiến nghị của bà nên số tiền 67.158.582 đồng, Cục Quản lý vốn –tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Đồng Nai đã làm thủ tục gửi tiết kiệm tại Ngân hàng vào ngày 01/04/1999.
Cùng khoảng thời gian nói trên, ngày 19/3/1999, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có Quyết định 931/QĐ-CT-UBT giới thiệu địa điểm cho Công ty Kinh doanh nhà Đồng Nai lập Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở, trong đó có địa điểm Cơ sở sản xuất gạch ngói Hồng Tâm tại phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa với diện tích 17.079m2. Tháng 08/2000, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 809/QĐ-TTg thu hồi 17.079 m2 nói trên giao cho Công ty Kinh doanh nhà Đồng Nai sử dụng toàn bộ diện tích đất thu hồi để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở.
Ông Hồng Văn Minh, con trai bà Nghị (bà Nghị mất năm 2006 vì tuổi già) bức xúc nói:“Biên bản bàn giao mốc ranh giới khu đất lò gạch giao cho Công ty Kinh doanh nhà Đồng Nai sáng ngày 30/11/2000 ghi rõ hiện trạng đất trống, ao cá và một số hoa màu hàng năm còn có ghi câu trách nhiệm sau bàn giao là “đền bù cho các đối tượng có đất bị thu hồi theo quy định”. Đất bị thu hồi còn được đền bù, tại sao đất lò gạch của gia đình chúng tôi Nhà nước trưng mua năm 1990 lại không được tính giá trị đất? Còn tiền trưng mua sáu mươi bảy triệu đồng thời điểm đó mẹ tôi đang khiếu nại tại sao cơ quan chức năng hơn tám năm sau mới đem gửi”?
Vụ trưng mua Cơ sở sản xuất gạch ngói Hồng Tâm ở TP. Biên Hòa vào năm 1990 của UBND tỉnh Đồng Nai đến nay vẫn làm dư luận rất đỗi ngạc nhiên.
Tại khoản 5, Điều 49, Luật Đất đai năm 1987 có ghi rõ: “Khi đất đang sử dụng bị thu hồi vì nhu cầu của Nhà nước hoặc xã hội thì được đền bù thiệt hại thực tế và được giao đất khác…”. Đằng này, khi quyết định trưng mua toàn bộ Cơ sở sản xuất gạch ngói Hồng Tâm diện tích trên 17.000 m2 của bà Nguyễn Thị Nghị, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ áp giá số tiền là 67.158.528 đồng mà không tính đến giá trị đất để đền bù. Phải chăng, chính quyền tỉnh Đồng Nai lúc bấy giờ đã không áp dụng luật một cách đầy đủ dẫn đến thiệt thòi quá nhiều năm nay cho gia đình bà Nguyễn Thị Nghị, một gia đình sản xuất gạch ngói truyền thống từ trước năm 1975.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Đồng Nai cần xem xét lại vụ việc một cách thấu đáo, đảm bảo quyền lợi người dân, tránh khiếu kiện kéo dài không đáng có.
QUỲNH ANH