/ Tin tức
/ Động thổ xây dựng công trình Nhà bia Lưu niệm tại xã Yên Kỳ

Động thổ xây dựng công trình Nhà bia Lưu niệm tại xã Yên Kỳ

20/12/2023 18:25 |

(LSVN) - Ngày 19/12/2023, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Thời báo Văn học nghệ thuật, Quỹ hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam, UBND xã Yên Kỳ long trọng tổ chức Lễ động thổ công trình Nhà bia Lưu niệm nơi diễn ra Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam từ 23-25/7/1948 (tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) do Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội tài trợ.

Tham dự buổi lễ có PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Ông Trần Viết Điệp, Chánh Văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật; Nhạc sĩ  Cao Hồng Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Về phía địa phương có Ông Vương Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Kỳ; Ông Nguyễn Kim Ngọc, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Yên Kỳ cùng lãnh đạo và công chức xã và đông đảo nhân dân Khu 1 thôn Dộc Phát, xã Yên Kỳ.

PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đại diện Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhận hoa chúc mừng của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ.

Ở những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp gian nan và ác liệt nhất, với vị trí là vùng cửa ngõ Việt Bắc, Tây Bắc có địa hình rừng núi hiểm trở, lại là vùng tự do, huyện Hạ Hòa cùng với một số địa phương khác của tỉnh Phú Thọ được chọn làm nơi đóng trụ sở và hoạt động cách mạng của nhiều cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội nhân dân, văn nghệ sĩ, trí thức.

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra từ 16 - 20/7/1948 thành lập Hội Văn hóa Việt Nam, trong 03 ngày từ 23 - 25/7/1948 Hội nghị Văn nghệ toàn quốc được triệu tập, tiến hành Đại hội tại làng Dộc Phát, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ với 80 văn nghệ sĩ cả nước về dự. Đại hội chính thức thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam). Đại hội đã bầu 17 người vào Ban Chấp hành; Ban Thường vụ có Nguyễn Tuân - Tổng thư ký, Tố Hữu - Phó Tổng thư ký.

Gia Điền (Hạ Hòa) được chọn đóng trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam và trụ sở của tạp chí Văn nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ Việt Nam do nhà thơ Tố Hữu làm Thư ký tòa soạn, cùng với Thế Lữ, Văn Cao, Nguyên Hồng và các cộng sự: Tô Ngọc Vân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Kim Lân, Huy Cận, Hoài Thanh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Hữu Đang, Trần Huyền Trân, Như Phong, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Xuân Diệu, Thép Mới, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Thủy, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận…

Xã Gia Điền và Yên Kỳ huyện Hạ Hòa chính là cái nôi của nền văn nghệ Việt Nam, nơi các văn nghệ sĩ hàng đầu đất nước đã có những năm tháng sống và sáng tác trong điều kiện kháng chiến thiếu thốn nhưng tác phẩm của họ lại sống mãi cùng năm tháng, làm nên một thời kỳ huy hoàng của văn nghệ Việt Nam. Các văn nghệ sĩ của nền văn nghệ cách mạng đều trở thành những tên tuổi lẫy lừng.

Các tác phẩm có thể kể đến  “Bầm ơi”, “Bà Bủ” của nhà thơ Tố Hữu, “Trường ca sông Lô” của nhạc sĩ Văn Cao, “Du kích sông Thao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, “Những người ở lại” của Nguyễn Huy Tưởng, “Vượt lên bão táp” của Nam Cao, “Phố mới” của Kim Lân, “Dãy người” thơ của Nguyên Hồng, “Vỡ tỉnh” của Tô Hoài, “Nhận đường” tùy bút của Nguyễn Đình Thi, “Núi yên ngựa” của Ngô Tất Tố, “Văn Lỗ Tấn” của Phan Khôi dịch..

Ông Nguyễn Tuyên Quyết bàn giao quyền sử dụng đất cho đại diện Thời báo Văn học nghệ thuật – Tổng Biên tập Hoàng Dự.

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ngày 30/5/2023, đoàn công tác của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam do PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp làm Trưởng đoàn đã có chuyến trở về nguồn, cùng đi có TS Nguyễn Thành Nô - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp; NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp; PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện - nguyên Tổng Biên tập tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam; nhà văn, nhà báo Hoàng Dự - Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật cùng nhiều lãnh đạo các Hội chuyên ngành Trung ương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ.

Đoàn đã thăm lại một số điểm đặt bia lưu niệm trên đồi chè nơi tổ chức Đại hội đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam ở xã Yên Kỳ; thăm bia lưu niệm tại xã Gia Điền (nhà bà Bủ Gái năm xưa tại gốc gạo năm nào đã nhường nhà cho Hội Văn nghệ làm nơi ở, làm việc; số tạp chí Văn nghệ đầu tiên cũng được ra đời tại đây…).

Sau chuyến đi, nhà văn, nhà báo Hoàng Dự có đề xuất xây dựng 2 nhà bia lưu niệm trên nền đất dựng tấm bia cũ tại xã Gia Điền và Yên Kỳ, được sự đồng ý của lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, sự mong muốn, ủng hộ của chính quyền địa phương và nhân dân cùng sự tài trợ của Tập đoàn Nam Cường đã tiến hành hoàn thiện các thủ tục pháp lý để tiến hành thi công, xây dựng. Trước đó, ngày 7/11, công trình Nhà bia lưu niệm tại xã Gia Điền đã được động thổ khởi công xây dựng.

Tại buổi lễ, nhà văn, nhà báo Hoàng Dự thông tin nhanh về tiến trình dự án xây dựng nhà bia lưu niệm ở xã Yên Kỳ. Ông cho biết Thời báo Văn học nghệ thuật đã hoàn thành xong việc chuyển nhượng khu đất dự án để tiến hành xây dựng nhà bia.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ động thổ.

Chủ tịch HĐND xã Gia Điền nhắc lại dấu mốc lịch sử sáng chói từ Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam đến nay, trải qua 75 năm, Hội Văn nghệ nay là Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã phát triển lớn mạnh, là ngôi nhà chung của hơn 40.00 văn nghệ sĩ. Đảng bộ và nhân dân xã Yên Kỳ mong muốn công trình được quan tâm xây dựng xứng với tầm vóc phát triển của Liên hiệp.

Ông khẳng định, Đảng bộ, chính quyền xã Yên Kỳ sẽ cùng bà con nhân dân Khu 1 thôn Dộc Phát phối hợp, hỗ trợ thi công xây dựng công trình vững bền. Ông bày tỏ hi vọng sau khi hoàn thành nhà bia sẽ có thêm những công trình khác như nhà sáng tác, các công trình phụ trợ để ng văn nghệ sĩ và nhân dân cả nước có thể về với quê hương Yên Kỳ, bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đến các thế hệ văn nghệ sĩ tiền bối.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, GS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, đây là ngày có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hiện thực hóa kế hoạch trong năm của Liên hiệp, cụ thể là chương trình về nguồn tri ân các thế hệ văn nghệ sĩ tiền bối đã dựng nên sự nghiệp văn học nghệ thuật dưới dự lãnh đạo của Đảng luôn song hành cùng cách mạng, cùng nhân dân chiến thắng kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập tự do, phát triển đất nước để có cơ đồ như ngày hôm nay.

Ông Vương Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Kỳ lên phát biểu.

Chủ tịch Liên hiệp gửi lời cảm ơn đối với tấm lòng của chính quyền và nhân dân địa phương. Khi xưa, cũng nhờ sự đùm bọc, cưu mang của nhân dân địa phương mà các văn nghệ sĩ đã sáng tạo, sáng tác những tác phẩm hay, bất hủ: “Ngày xưa các văn nghệ sĩ đến đây hoạt động khi còn rất trẻ, nơi đây chính là cái nôi đã nâng đỡ và chắp cánh cho văn nghệ sĩ và nền văn nghệ cách mạng những ngày đầu trứng nước, đặt nền móng cho nền văn học nghệ thuật mà thế hệ sau không bao giờ quên ơn”.

PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam lên phát biểu chỉ đạo.

Ông khẳng định việc tôn tạo, xây dựng nhà bia chính là là hành động ghi dấu điểm nhấn lịch sử - văn hóa nghệ thuật đồng thời sẽ là tấm bia chứa đựng đạo đức, nhân cách của thế hệ sau. Ngoài thể hiện sự tri ân đối với những thế hệ văn nghệ sĩ tiền bối, công trình trong tương lai sẽ là nhắc nhớ thế hệ tương lai phải luôn ghi nhớ, biết ơn đối với cha ông, với mạch nguồn lịch sử.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

NGUYỄN CHI/arttimes.vn

Các nhà khoa học tham dự VinFuture: Sẵn sàng hợp tác thúc đẩy KHCN và phát triển bền vững tại Việt Nam

Nguyễn Hoàng Lâm