/ Pháp luật - Đời sống
/ Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1: Nhiều dấu hiệu bất thường cần được làm rõ

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1: Nhiều dấu hiệu bất thường cần được làm rõ

14/08/2024 09:50 |

(LSVN) - Thông thường, đất có giá trị kinh tế cao (áp giá thu thuế khi chuyển đổi cao) khi bị thu hồi sẽ được bồi thường cao hơn so với đất có giá trị kinh tế thấp (áp giá thu thuế khi chuyển đổi thấp). Thế nhưng, tại “Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1” (Dự án - PV) đoạn đi qua huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang lại có nhiều bất thường.

Diện tích nhà đất của anh Nguyễn Mạnh Lâm bị thu hồi.

Từ thực tiễn, cũng như qua nghiên cứu hồ sơ liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng tại Dự án này, Luật sư đã đưa ra nhận định, góc nhìn khách quan, đa chiều dưới góc độ quy định của pháp luật.

Nghịch lý về giá đất bồi thường 

Thời gian gần đây, Tạp chí Luật sư Việt Nam nhận được nhiều phản ánh của người dân huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang về nhiều dấu hiệu bất thường trong đền bù, giải phóng mặt bằng tại Dự án này.

Đơn thư của anh Nguyễn Mạnh Lâm (trú tại xã Quang Minh, huyện Bắc Quang) phản ánh: Gia đình anh là hộ kinh doanh cá thể (có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh), kinh doanh chế biến lâm sản (gỗ bóc, gỗ xẻ thanh, băm dăm). Ngày 15/11/2022, UBND huyện Bắc Quang ra Thông báo thu hồi đất của gia đình để thực hiện Dự án.

Theo đó, gia đình anh Lâm bị thu hồi tổng diện tích 1.839,7m2 (trong đó đất ở tại nông thôn là 496m2 và 1.343,7m2 đất trồng cây hàng năm). Diện tích đất thu hồi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Diện tích đất này nằm ở mặt đường quốc lộ 279 dọc bám mặt đường 21m và dọc bám theo đường bê tông liên xã, thị trấn là 70m. Gia đình anh Lâm bị thu hồi toàn bộ đất ở tại nông thôn và đất trồng cây hàng năm.

Anh Nguyễn Mạnh Lâm cho biết, theo Quyết định số 28/2019/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 của UBND tỉnh Hà Giang ban hành Bảng giá đất chi tiết trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020 - 2024 (QĐ số 28 - PV), đất của gia đình anh nằm ở vị trí mặt đường quốc lộ 279 (từ ngã ba Quang Minh đi Kim Ngọc đến cầu Khang (nhà bà Năm) áp loại đường phố loại III, vị trí 2, áp giá thu thuế khi chuyển đổi là 960.000 đồng/1m2. Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư (BTHT&TĐC - PV) áp hệ số K cho gia đình tôi là 6,16 (theo Quyết định số 6182 ngày 28/9/2023 của UBND huyện Bắc Quang). Để tính giá đất bồi thường, lấy 960.000 x 6,16 = 5,9 triệu đồng/1m2 (làm tròn)”. Như vậy, đất ở nông thôn bám mặt đường quốc lộ 279 của gia đình anh Lâm giá bồi thường là 5,9 triệu đồng/m2.

Anh Lâm bức xúc: “Cách nhà tôi không xa, đất ở nông thôn khu vực I, vị trí 1 (từ ngã ba đường đi Sảo đến cầu Vàng Mo), áp giá thuế khi chuyển đổi chỉ 289.000 đồng/m2 (bằng 1/3 đất của gia đình tôi). Thế nhưng, lại được áp giá hệ số K là 14,01 (cao gấp hơn 2 lần so với đất của gia đình tôi) là vì sao?”.

Hiện tại, giá đất nơi anh Lâm sinh sống cũng cao hơn nhiều so với giá đất nơi có hệ số K 14,01 lần nói trên. Theo đó, giá trị chuyển nhượng đất khu vực của nhà anh Lâm trên thị trường giao động từ 12- 15 triệu đồng/m2.

Luật sư Tạ Văn Phú, Giám đốc Công ty Luật Ánh Sáng Việt, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nêu quan điểm: “Khi bị thu hồi đất, người dân đều mong muốn được bồi thường thỏa đáng. Việc người dân Bắc Quang viện dẫn mức bồi thường đất theo QĐ số 28 (giá Nhà nước ban hành) mà vẫn bị thiệt thòi rất lớn cho họ, thì quả là đáng tiếc. Cơ quan chức năng nên xem xét lại”.

Nhiều dấu hiệu bất thường

Để làm rõ dấu hiệu bất thường về hệ số K nói trên, PV đã nhiều lần liên hệ làm việc với UBND huyện Bắc Quang. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Lê Huy, Phó Chủ tịch Hội đồng BTHT&TĐC huyện Bắc Quang cho biết: Đơn vị tư vấn đưa ra hệ số K là công ty Cổ phần Thẩm định giá và Giám định Hà Thành. Sau đó, Hội đồng và các cơ quan hữu quan phê duyệt. Sau khi nhận được đơn kiến nghị của ông Nguyễn Mạnh Lâm và làm việc với PV, ông Huy đã nhiều lần mời (gọi điện thoại) để làm việc nhưng phía Công ty Hà Thành này lấy lý do bận vì đang làm việc ở tỉnh Yên Bái nên chưa làm việc được với lãnh đạo huyện Bắc Quang.

Tiếp đó, PV đã đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng qua vẫn chưa nhận được phản hồi. 

Chủ tịch huyện ra văn bản đốc thúc bản thân mình

Công văn của UBND huyện Bắc Quang.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Lê Huy cho hay, Chủ tịch huyện Bắc Quang Phùng Viết Vinh đồng thời là Chủ tịch Hội đồng BTHT&TĐC. Được biết, ngày 22/5/2024 (sau vài ngày PV đặt lịch làm việc), ông Vinh ra Văn bản số 2104 về việc đôn đốc tiến độ tham mưu giải quyết đơn của công dân, gửi Hội đồng BTHT&TĐC huyện Bắc Quang và UBND xã Quang Minh.

Theo đó, ngày 12/3/2024, UBND huyện Bắc Quang đã ban hành Công văn số 900/UBND-BTCD về việc tham mưu, giải quyết đơn của một số hộ dân xã Quang Minh (trong đó có ông Nguyễn Mạnh Lâm). Tuy nhiên, đến nay UBND huyện vẫn chưa nhận được báo cáo kết quả giải quyết.

Ngày 17/5/2024, UBND huyện tiếp tục nhận được đơn đề nghị của công dân Nguyễn Mạnh Lâm. Sau khi xem xét nội dung, Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo như sau: “Yêu cầu Hội đồng BTHT&TĐC huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của UBND huyện tại Công văn số 900/UBND – BTCD ngày 12/3/2024 của UBND huyện. Thời gian hoàn thành trước ngày 10/6/2024”.

PV

VKSND Tối cao kháng nghị vụ án xảy ra tại Công ty sản xuất – xuất nhập khâu lâm sản và hàng tiểu thủ công nghiệp

Nguyễn Hoàng Lâm