Hiện trường thi công công trình, vật liệu được nhà thầu tập kết ngổn ngang, khu vực quanh công trình xây dựng không có biển cấm, biển cảnh báo.
Mất an toàn lao động?
Đơn cử, sáng 25/10, theo ghi nhận của PV Tạp chí Luật sư Việt Nam tại Dự án Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, có địa chỉ tại số 75 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Bắc Hà, TP. Hà Tĩnh, xuất hiện nhiều bất cập, có dấu hiệu nguy cơ mất an toàn xây dựng theo quy định.
Theo đó, tại hiện trường thi công công trình, vật liệu được nhà thầu tập kết ngổn ngang, khu vực quanh công trình xây dựng không có biển cấm, biển cảnh báo, không có bảo vệ,…. gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn cho người lao động. Đáng nói, dự án này đang thi công trong khuôn viên của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, nơi có hàng trăm bệnh nhân đang điều trị tại đây.
Hệ thống dây điện của các máy móc, thiết bị trong công trình “bủa vây” từ mặt sàn đến hàng rào, phủ ngay cả trên vật liệu dẫn điện, hệ thống cầu dao, hộp điện không có che chắn gây nguy hiểm cho người lao động. Tại mặt sàn của công trình, hàng chục khối bê tông thừa được phủ 1 lớp dày đặc, tạo khối trên sàn, nhiều tấn sắt dầm mưa gây nên gỉ sét. Đáng báo động công trình này đã đổ sàn lên đến tầng 3, nhưng bao quanh tòa nhà này không có che chắn bằng lưới ngăn vật liệu rơi xuống dưới nguy hiểm cho công nhân.
Qua đánh giá thực tế nhằm góp ý hoàn thiện pháp lý, giám sát hoạt động chặt chẽ đối với các nhà thầu, căn cứ theo các quy định cụ thể, các Luật sư cho rằng cần có chế tài chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn những hệ lụy không đáng có xảy ra, trách nhiệm ở đây thuộc về nhà thầu cũng như chủ đầu tư, cơ quan chức năng quản lý.
Theo Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, Văn phòng Luật sư Tuổi Trẻ, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An, căn cứ Thông tư 10/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 25/8/2021 về hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 và Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.
Tại điểm a, khoản 1, Điều 10, Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định rất rõ về quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng trong thi công xây dựng công trình. Tại khoản 12, Điều 14 thể hiện rất rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư. Theo đó, buộc đơn vị thi công tạm dừng hoặc đình chỉ thi công đối với nhà thầu thi công xây dựng, khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn, vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động làm xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động.
“Việc đơn vị thi công công trình nếu không đảm bảo an toàn về lao động tại Dự án Trung tâm Sản Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cần xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cũng như nhà thầu”, Luật sư Liêm nhấn mạnh.
Hệ thống cầu dao, hộp điện không có che chắn gây nguy hiểm cho người lao động, nhất là vào thời điểm trời mưa.
Dự án gần 90 tỉ đồng
Ngày 27/12/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu số 999/QĐ-BVĐKT, đối với Gói thầu 02.1/XD về thi công xây dựng Trung tâm Sản Nhi (đợt 1).
Theo đó, đơn vị trúng thầu là Liên danh Trung tâm Sản Nhi, có địa chỉ tại số 147, khối phố Hoà Linh, phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh. Giá trúng thầu 89.733.804.000 đồng. Loại hợp đồng đơn giá cố định. Thời gian thực hiện hợp đồng là 715 ngày, kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Quyết định do Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Quang Trung ký.
Nhiều khối bê tông sau khi đổ sàn tầng 1 tầng 2 được xả ngay tại mặt nền công trình, kết dính gây “nhếch nhác”.
Liên danh Trung tâm Sản Nhi có sự “góp mặt” của 2 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại Cường Thịnh (có địa chỉ tại số 32, đường Dương Trí Trạch, phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, người đại diện pháp luật là ông Dương Đình Thịnh) và Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại 555 (có địa chỉ tại số nhà 147, khối phố Hòa Linh, phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh, người đại diện pháp luật là ông Dương Đình Cường).
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam, ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, bệnh viện là chủ đầu tư, nhưng không có chuyên môn về xây dựng nên đã giao cho Ban Quản lý dự án và Tổ Tư vấn giám sát về công trình Trung tâm Sản Nhi, dự án đang thực hiện giai đoạn 1, nhà thầu đã tạm ứng gần 10 tỉ đồng. Còn về những vi phạm liên quan đến an toàn xây dựng và môi trường xung quanh, phía chủ đầu tư sẽ quán triệt, trao đổi lại với nhà thầu. Yêu cầu an toàn là trên hết, song song tiến độ cũng phải đáp ứng.
Việc xây dựng Trung tâm Sản Nhi là yêu cầu tất yếu đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, nhất là trong lĩnh vực sản, phụ và nhi khoa. Theo đánh giá, khi Trung tâm Sản Nhi đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện cho bệnh viện phát triển chuyên sâu về nhi khoa và sản khoa. Đối với nhi khoa sẽ phát triển chuyên khoa về tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, tiết niệu,… Lĩnh vực sản khoa sẽ có điều kiện để phát triển về sản thường, sản bệnh, hỗ trợ sinh sản và nhiều dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu khác. |
LƯƠNG LƯƠNG – TIẾN ĐẠT