Cụ thể, đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, thời gian qua, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành và kết nối thành công với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Ảnh minh hoạ.
Đối với giáo dục đại học, Bộ đã ban hành mới nhiều văn bản nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Từ năm 2022, Bộ đã xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS). Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.
Trong đó, ngay từ năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành triển khai, cung cấp và tích hợp dịch vụ công mức độ 4 về "Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT" và "Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non" trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đại diện Cục Công nghệ thông tin nhấn mạnh, để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học và bảo đảm nguồn nhân lực thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, Bộ đã xây dựng dự thảo và sẽ sớm ban hành khung năng lực số cho người học từ mầm non đến đại học (bao gồm năng lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI), đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Dự kiến, các đề án và khung năng lực số nói trên sẽ được triển khai ngay từ năm 2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.