/ Tin tức
/ Dự kiến bỏ xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học năm 2025

Dự kiến bỏ xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học năm 2025

06/01/2025 14:05 |

(LSVN) - Theo Bộ GD&ĐT, năm 2025, tuyển sinh đại học dự kiến sẽ không còn xét tuyển sớm. Các phương thức đều được đăng ký và xử lý trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển đại học - cao đẳng năm 2025 diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh ngày 05/01.

Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện Bộ GD&ĐT vẫn đang lấy ý kiến cho Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học - cao đẳng năm 2025. Nhìn chung, kế hoạch tuyển sinh vẫn giữ ổn định nhưng sẽ có những điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, do kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có thay đổi với các môn tự chọn theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên tuyển sinh đại học cũng có thay đổi. Theo kế hoạch, năm 2025, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức đợt xét tuyển chung trên hệ thống tuyển sinh, thí sinh vẫn được không giới hạn nguyện vọng xét tuyển và thí sinh chỉ trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất.

Thông tin về những dự kiến thay đổi năm nay, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, dự kiến sẽ không còn khái niệm xét tuyển sớm. Lí do, những mùa tuyển sinh trước, học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 phải vất vả nộp hồ sơ hàng chục trường, không yên tâm học tập, việc này gây tốn kém, vất vả cho cả thí sinh và các cơ sở đào tạo. Thực tế, không phải thí sinh nào cũng theo học để có các chứng chỉ quốc tế, thi các kỳ thi đánh giá năng lực… nên xét tuyển sớm sẽ mất công bằng với thí sinh.

Trong khi đó, Bộ GD&ĐT đã có một hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung với đầy đủ cơ sở dữ liệu, quy trình trực tuyến hoàn toàn thuận lợi cho thí sinh và các trường. Thí sinh xét tuyển phương thức nào cũng được đăng ký lên hệ thống để xử lý. Các thí sinh có điểm chứng chỉ quốc tế, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hay xét học bạ... không bị ảnh hưởng.

Còn những thí sinh thực sự giỏi và tài năng, đạt nhiều giải quốc gia và quốc tế, Bộ GD&ĐT sẽ có chính sách tuyển thẳng để các em chủ động chọn con đường học tập phù hợp nhất.

Một sửa đổi đáng chú ý nữa của dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh lần này là sẽ không còn phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh. Thay vào đó, hệ thống sẽ xét tuyển theo kết quả từ cao đến thấp ở tất cả phương thức.

Để làm như vậy, Bộ GD&ĐT yêu cầu điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học lý giải, những năm qua, hầu hết cơ sở đào tạo phân bổ chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển, thậm chí cho từng tổ hợp môn xét tuyển. Từ đó, áp dụng các tiêu chí xét tuyển để tính điểm xét của thí sinh và xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu của từng phương thức, tổ hợp môn xét tuyển của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Tuy nhiên, cũng từ đây xuất hiện những vấn đề như chênh lệch điểm trúng tuyển một cách bất hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển, đồng thời đẩy điểm chuẩn của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT lên rất cao do chỉ tiêu dành cho phương thức này không còn nhiều. Điều này gây bất công bằng về cơ hội cho những thí sinh không có điều kiện tiếp cận nhiều phương thức xét tuyển.

Điểm mới thứ ba, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập (học bạ), kết quả thi theo từng môn, Bộ GD&ĐT yêu cầu tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 03 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo. Trong đó, phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm.

Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Vì ở những năm trước, khi chỉ mới đầu năm lớp 12, thí sinh đã ồ ạt chạy hết trường này đến trường khác để xét tuyển học bạ và trúng tuyển sớm. Điều này làm các thí sinh xao nhãng việc học tập và ảnh hưởng đến thi tốt nghiệp THPT.

TRẦN VIỄN (t/h)

Các tin khác