Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.
Theo đó, Điều 17 dự thảo Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh được điều chỉnh một số nội dung nhằm phù hợp với việc chuyển đổi từ mô hình chính quyền địa phương 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) thành 2 cấp (tỉnh, xã).

Ảnh minh họa.
Chính phủ điều chỉnh một vài nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp huyện (theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành) về cho Chủ tịch UBND tỉnh, bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền các cấp thông suốt, hiệu quả khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Do đó, số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh tăng từ 15 (theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành) lên thành 20 (theo Dự thảo Luật sửa đổi).
Một trong những nhiệm vụ mới đáng chú ý là Chủ tịch UBND tỉnh được phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã; giao quyền Chủ tịch UBND cấp xã; quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Chủ tịch UBND cấp mình, Chủ tịch UBND cấp xã; quyết định bổ nhiệm, điều động, tạm đình chỉ, cách chức người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp mình.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định rõ 19 nhiệm vụ, quyền hạn khác của Chủ tịch UBND tỉnh gồm:
- Lãnh đạo và điều hành công việc của UBND; triệu tập và chủ tọa các phiên họp của UBND.
- Lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên và của HĐND, UBND cấp mình; kiểm tra và xử lý các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Hiến pháp và pháp luật ở địa phương.
- Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước ở địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính; về thực hiện cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương; về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chịu trách nhiệm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của chính quyền địa phương cấp mình và cấp xã trong giải quyết thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ công của địa phương theo quy định của pháp luật.
- Lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã.
- Chỉ đạo và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự toán ngân sách của địa phương; quản lý, sử dụng có hiệu quả tài chính, nguồn ngân sách, tài sản công, cơ sở hạ tầng của địa phương thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị ở địa phương; tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước tại địa phương trong các lĩnh vực tài chính, đầu tư, đất đai, nông nghiệp, tài nguyên, môi trường, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, đô thị, xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nội vụ, lao động, thông tin, văn hóa, xã hội, du lịch, thể dục thể thao của địa phương theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về hoạt động đối ngoại, việc hợp tác, tham gia các chương trình hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương theo quy định của pháp luật; việc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, bảo đảm quyền con người; phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác tại địa phương theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo việc thực hiện các chính sách về dân tộc, tôn giáo ở địa phương; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo ở địa phương theo quy định của pháp luật.
- Ban hành quy chế quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị tại địa phương; chỉ đạo và chịu trách nhiệm quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo và chịu trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội; quản lý các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp, trung học phổ thông, cơ sở y tế, cơ sở phúc lợi xã hội thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực, lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của cơ quan Nhà nước cấp trên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp mình.
- Chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp liên quan đến thiên tai, dịch bệnh tại địa phương; quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn, sau đó báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
- Chỉ đạo việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và trong các hoạt động kinh tế - xã hội tại địa phương theo quy định của pháp luật.
- Ban hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật.
- Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp mình và văn bản trái pháp luật của UBND, Chủ tịch UBND cấp xã.
- Đình chỉ việc thi hành văn bản trái pháp luật của HĐND cấp xã, báo cáo UBND cấp mình để đề nghị HĐND cùng cấp bãi bỏ.
- Căn cứ tình hình thực tiễn, tăng cường ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho UBND, Chủ tịch UBND cấp xã nhằm nâng cao năng lực quản trị của cấp xã, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quản lý và phát triển đô thị, đặc khu.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Báo cáo tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc sửa đổi cơ bản các quy định về phân định đơn vị hành chính (ĐVHC) và tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, định hướng trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 2013 (sau khi sửa đổi, bổ sung) nhằm chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 03 cấp như hiện nay (gồm: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) thành 02 cấp (gồm: cấp tỉnh và cấp xã).
Dự thảo Luật gồm 07 chương, 54 điều, cơ bản kế thừa nguyên tắc tổ chức và nguyên tắc phân định thẩm quyền của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Trong đó, tập trung vào 04 nhóm vấn đề:
- Sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định ĐVHC và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp;
- Sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã;
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức chính quyền địa phương;
- Về hiệu lực thi hành và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 03 cấp sang 02 cấp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chủ động, tích cực, trách nhiệm trong việc chuẩn bị hồ sự dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã tiến hành thẩm tra nghiêm túc, khẩn trương, thể hiện rõ quan điểm trên toàn diện các vấn đề Hồ sơ, Tờ trình nêu. Hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung chính của dự án Luật, đề nghị Chính phủ căn cứ vào ý kiến của các cơ quan thẩm tra, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Trong đó, lưu ý một số nội dung về quy định UBND cấp xã được phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình; việc lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã; việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, đội ngũ công chức tham mưu giúp việc UBND xã; cụ thể hóa Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị; giải trình rõ hơn vấn đề cơ cấu HĐND; vai trò của Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND; rà soát quy định về điều khoản chuyển tiếp đảm bảo đồng bộ với Hiến pháp và các luật liên quan được trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này.