(LSVN) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 01/2024. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến có 9 nghị định được ban hành để triển khai Luật Đất đai (sửa đổi).
Ảnh minh hoạ.
Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, đến tháng 01/2025 chính thức có hiệu lực. Cho biết về các giải pháp đảm bảo sự thông suốt trong thực hiện và những kế hoạch, chương trình xây dựng các văn bản dưới luật để đảm bảo sau khi luật có hiệu lực sẽ thực thi được ngay, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh: Ngày 18/01/2024 Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Trong quá trình chuẩn bị cho Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chuẩn bị tinh thần triển khai sớm nhất để đưa Luật đi vào cuộc sống.
Trước hết Bộ đã cung cấp những nội dung mới, những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 đến các cơ quan, truyền thông để có tư liệu cho việc tuyên truyền.
Thứ hai, Bộ đã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024, trong đó có những nội dung đáng chú ý.
Nội dung thứ nhất là tổ chức xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, kế hoạch đã rà soát kỹ lưỡng những điểm, những điều trong Luật giao Chính phủ ban hành quy định chi tiết. Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến có 9 nghị định. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trực tiếp tham mưu cho Chính phủ ban hành 6 nghị định, Bộ Tài chính sẽ tham mưu ban hành 2 nghị định và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 nghị định.
Bên cạnh đó, dự kiến sẽ ban hành 6 thông tư, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường có 4 thông tư, Bộ Tài chính 1 thông tư và Bộ Nội vụ 1 thông tư.
Có một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu. Đối với chính quyền địa phương, có 18 nội dung thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh phải quy định chi tiết, còn 1 nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân ban hành. Trong kế hoạch đã nói rất rõ, phân biệt rất rõ và có quy định thời gian để chuẩn bị.
Cùng với việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thì việc giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm cả những luật có liên quan đến đất đai mà trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai chưa sửa đổi trực tiếp cùng Luật Đất đai được, sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ.
Thứ hai, với các nghị định liên quan đến công tác quản lý đất đai, các bộ, ngành có liên quan cũng tiếp tục rà soát. Các địa phương cũng tiếp tục rà soát các quy định, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, để sửa đổi, bổ sung, ban hành đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Nội dung thứ ba, chuẩn bị cho công tác tổ chức phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng một kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thi hành Luật, phối hợp với các cơ quan, các bộ, ngành của Trung ương và các cơ quan thông tấn, truyền thông để phổ biến đến các đối tượng thực sự chịu tác động của Luật. Làm sao để các điểm mới của Luật Đất đai, nội dung của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành được các đối tượng chịu tác động của luật và toàn thể nhân dân đều biết đến và quá trình quản lý và tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân, doanh nghiệp được thuận lợi nhất, đảm bảo tính khả thi.
Về nội dung thứ tư, Bộ có kế hoạch triển khai các giải pháp, nguồn lực để thực hiện Luật Đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất với Chính phủ tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung quản lý nhà nước như: Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, điều tra đánh giá cơ bản về đất đai, duy trì hệ thống thông tin đất đai. Đối với các địa phương cũng tập trung nguồn lực, trước hết là cho các quỹ phát triển đất, đảm bảo tạo ra quỹ đất để thực hiện tổ chức đánh giá việc sử dụng đất, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư... Đồng thời, các địa phương tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương, kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai ở Trung ương, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác. Đảm bảo cho Luật Đất đai với các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như các chính sách mới được triển khai thực hiện một cách đồng bộ sau khi Luật có hiệu lực.
Về sửa đổi Nghị định 44 đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ rất sớm. Tuy nhiên, đây là một Nghị định rất quan trọng, có tác động ảnh hưởng rất lớn đến tài chính về đất đai và giá đất. Do đó, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành ở Trung ương, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các địa phương đã có nhiều hội thảo lấy ý kiến để chọn ra phương án tốt nhất, phương án tối ưu nhất nhằm đảm bảo mục tiêu, yêu cầu của nghị định, đồng thời phù hợp với tinh thần của Luật Đất đai năm 2024.
Vừa qua tất cả các thủ tục về ban hành nghị định đã hoàn tất, đến thời điểm hiện nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo và thống nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn tất các công đoạn cuối cùng để ban hành nghị định sớm nhất và đưa vào thực tiễn.
DUY ANH
Thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí