/ Pháp luật - Đầu tư
/ Dự kiến Hà Nội sẽ dùng 100% xe buýt xanh vào năm 2035

Dự kiến Hà Nội sẽ dùng 100% xe buýt xanh vào năm 2035

21/11/2024 11:13 |

(LSVN) - UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố". Trong đó, có đề xuất việc đồng bộ các giải pháp đảm bảo thực hiện có hiệu quả lộ trình chuyển đổi, phát triển và đạt được tỉ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100% vào năm 2035.

Cụ thể, Đề án đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876.

Đề án nêu đề xuất đồng bộ các giải pháp đảm bảo thực hiện có hiệu quả lộ trình chuyển đổi, phát triển và đạt được tỉ lệ phương tiện sử dụng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100% vào năm 2035.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, năm 2025 Hà Nội sẽ chuyển xe buýt điện. Giai đoạn 2026-2035, thành phố sẽ chuyển đổi 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG. Tổng số phương tiện cần chuyển đổi là 2.051 xe. Trong đó, năm 2025, thành phố sẽ chuyển đổi 103 xe điện (tỉ lệ 5%); giai đoạn 2026-2030 sẽ chuyển đổi 1.813 xe (93,4%), trong đó 859 xe điện và 851 xe LNG/CNG; giai đoạn 2031-2025 sẽ hoàn thành chuyển đổi 2.051 xe (đạt 100%).

Từ đầu năm 2025, các đơn vị vận tải đang triển khai các thủ tục để đầu tư và vận hành thí điểm 05 tuyến xe buýt điện với 76 xe để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.

Trong năm 2025 sẽ chuyển đổi với các phương tiện buýt diezel lớn hết hạn khấu hao và hết hạn thầu sang xe buýt điện lớn. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, đạt 5% tổng số phương tiện chuyển đổi.

Từ năm 2026, thành phố sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện, các đơn vị sẽ triển khai thực hiện thay thế phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm) theo thời gian sử dụng phương tiện thực tế trên từng tuyến.

Số lượng phương tiện chuyển đổi dựa trên các chỉ tiêu khai thác hiện tại của tuyến và phạm vi hoạt động trong ngày của các chủng loại xe buýt điện hiện có trên thị trường. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2026-2030 là 1.813 xe. tỉ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 dự kiến đạt 93,4% tổng số phương tiện được chuyển đổi.

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện phương án khoảng 48.625 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố khoảng 35.996 tỉ đồng và doanh nghiệp phải tự bố trí khoảng 12.629 tỉ đồng.

Theo UBND TP. Hà Nội, việc chuyển đổi theo hướng xanh hóa xe buýt sẽ giúp thu hút được nhiều người dân tham gia sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, tạo điểm nhấn cho thành phố, thu hút du khách phát triển du lịch.

Cùng đó giúp nâng cao chất lượng hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, làm thay đổi bộ mặt giao thông đô thị, thay đổi văn hóa giao thông Thủ đô. Phát triển đoàn phương tiện xe buýt theo hướng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.

Việc phê duyệt đề án còn giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được tiếp cận thuận lợi các cơ chế chính sách, hỗ trợ đầu tư công khai, minh bạch, hiệu quả trong quá trình chuyển đổi, phát triển phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh.Nắm được kế hoạch, lộ trình, thời gian chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các tuyến buýt của đơn vị đang khai thác để chủ động trong việc đầu tư phương tiện, hạ tầng phục vụ công tác chuyển đổi.

Đối với người dân sử dụng dịch vụ được cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh hiện đại, thân thiện, dễ tiếp cận. Giảm ùn tắc tắc giao thông, tạo điều kiện người dân tham gia giao thông thuận lợi. Cải thiện môi trường sống, môi trường sinh hoạt của người dân Thủ đô.

QUÝ NGUYỄN (t/h)

Các tin khác