Đề xuất quản lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng bằng mã QR

05/05/2024 15:37 | 1 tuần trước

(LSVN) - Ngày 02/5 vừa qua, Bộ TN&MT bắt đầu tổ chức công khai lấy ý kiến của người dân và các bộ, ban, ngành, địa phương đối với dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính. Trong đó, có đề xuất về việc in mã QR trong GCNQSDĐ. Sau khi lấy ý kiến, Bộ TN&MT sẽ ban hành Thông tư và đưa vào triển khai thực hiện từ 01/01/2025.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo dự thảo Thông tư của Bộ TN&MT thì GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ được đổi thành GCNQSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Đồng thời Bộ TN&MT cũng đề xuất in mã QR trong GCNQSDĐ, đây được xem là một điểm mới vì trước đây GCNQSDĐ chỉ có mã vạch và chỉ còn 02 trang thay vì 04 trang như hiện tại.

Trước kia, trên trang 1 Giấy chứng nhận chỉ có Quốc hiệu, Quốc huy, tên GCN, thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và số seri phát hành GCN, dấu nổi của Bộ TN&MT. Tới đây, bên cạnh những thông tin trên, trang 1 của GCN sẽ bao gồm cả thông tin thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (hiện tại nằm ở trang 2) và sơ đồ thửa đất (hiện tại nằm ở trang 3 của Giấy chứng nhận).

Theo lý giải của Bộ TN&MT, việc thay mã vạch truyền thống bằng mã QR sẽ giúp tra cứu thông tin một cách dễ dàng hơn, đồng thời sẽ tạo thông tin phản hồi để chống hàng giả. Bởi mã vạch truyền thống chỉ chưa được tối đa 20 ký tự, thể hiện bằng một dãy các vạch được xếp liền kề nhau, nhưng mã QR có khả năng chứa tối đa 7.089 ký tự số và 4.296 ký tự chữ số, cho phép lưu trữ lượng thông tin lớn hơn nhiều lần. Ngoài ra, nếu xét về tính thẩm mỹ thì mã QR cũng có lợi thế hơn.

Như vậy, việc xuất hiện mã QR trong GCNQSDĐ là một bước cải tiến mới để phù hợp với sự phát triển chung của quá trình chuyển đổi số cùng với việc nâng cao tính bảo mật cũng như an toàn thông tin đối với nhiều trường hợp làm giả như hiện nay. Do mã QR Code đã trở nên quen thuộc với người dân trong mọi hoạt động, cho phép quét và đọc mã nhanh hơn bằng các thiết bị khác nhau như máy đọc mã vạch hoặc điện thoại có camera... với những tính năng tiện lợi đó, mã QR hiện nay dần được đưa vào trong các giấy tờ cá nhân, hành chính.

Để công tác phát hành được đảm bảo an toàn, dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức. Đối với Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai: Xây dựng quy định về yếu tố chống giả (đặc điểm bảo an) trên phôi GCN; Tổ chức việc in ấn, phát hành phôi GCN cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai ở các địa phương sử dụng; Lập và quản lý sổ theo dõi phát hành phôi GCN; Kiểm tra, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng phôi GCN ở các địa phương.

Đối với Sở TN&MT thì lập kế hoạch sử dụng phôi GCN của địa phương gửi về Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai trước ngày 31/10 hàng năm; Kiểm tra, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng phôi GCN ở địa phương; Tổ chức tiêu hủy phôi GCN, GCN đã in hoặc viết bị hư hỏng theo quy định của pháp luật về lưu trữ; Báo cáo định kỳ tình hình tiếp nhận, quản lý, sử dụng phôi GCN của địa phương về Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai trước ngày 25/12 hàng năm.

Đối với Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng TN&MT thì báo cáo Sở TN&MT về nhu cầu sử dụng phôi GCN trước ngày 20/10 hàng năm; Tiếp nhận, quản lý, lập sổ theo dõi nhận, cấp phát và sử dụng phôi GCN; Thường xuyên tự kiểm tra việc quản lý, sử dụng phôi GCN để bảo đảm sự thống nhất giữa sổ theo dõi và phôi GCN thực tế đang quản lý, đã sử dụng; Tập hợp, quản lý các phôi GCN, GCN đã in hoặc viết bị hư hỏng gửi về Sở TN&MT để tổ chức tiêu hủy; Báo cáo tình hình tiếp nhận, quản lý, sử dụng phôi GCN về Sở TN&MT định kỳ 6 tháng trước ngày 20/6, định kỳ hàng năm trước ngày 20/12 hàng năm.

TRẦN MINH

Bộ TN&MT đã hoàn thành các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024