Ảnh minh họa.
Theo đó, đề cập đến Nghị định 39/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, thông tin về quy trình đấu giá biển số, Cục phó Cục CSGT Lê Xuân Đức cho biết, phiên đấu giá diễn ra sau khi hoàn thành hết tất cả các công tác thẩm định và đưa một lượng biển số lên môi trường mạng để người dân lựa chọn, cũng như để người dân hoàn thành thủ tục.
Hiện, phía Cục CSGT đang tiến hành lựa chọn tổ chức đấu giá có đủ năng lực và đủ hạ tầng. Sau khi lựa chọn được tổ chức này, Cục sẽ ký hợp đồng với đơn vị đấu giá.
Đồng thời, Cục lựa chọn một lượng biển chuẩn bị cấp trong thời gian tới để người dân có thể đấu giá và lượng biển số này là của 63 tỉnh thành phố cả nước.
Theo Cục phó Cục CSGT Lê Xuân Đức, người dân có thể vào các trang web đấu giá biển số để lựa chọn biển số của tất cả 63 tỉnh thành phố. Theo dự tính của Cục CSGT, số lượng biển cấp ra dự kiến trong 01 quý tương ứng với khoảng 100.000 biển.
Trong phiên đấu giá sẽ có những cuộc đấu giá, mỗi phiên đấu giá sẽ gồm nhiều cuộc đấu giá. Căn cứ vào nhu cầu, mỗi phiên đấu giá sẽ có một lượng biển nhất định, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường và nhu cầu của người dân.
Người dân có thể tham gia đấu giá ở tất cả các địa phương trên cả nước, như người ở TP. Hồ Chí Minh có thể đấu giá biển số xe ở Hà Nội và chỉ cần mang phương tiện tới TP. Hồ Chí Minh là có thể đăng ký được.
Cũng theo Cục phó Cục CSGT, việc đấu giá biển số xe ôtô góp phần đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân song hành với hệ thống đăng ký xe bằng hình thức ngẫu nhiên hiện nay để chủ phương tiện có quyền lựa chọn, khả thi khi thực hiện.
Việc đấu giá đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng; Khai thác có hiệu quả tài sản công là kho biển số, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá biển số; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký... cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Về dự kiến phiên đấu giá đầu tiên, Cục phó Cục CSGT thông tin, sau khi hoàn tất các công tác chuẩn bị, dự kiến từ ngày 15-20/8/2023 sẽ diễn ra phiên đấu giá.
Trước đó, ngày 26/6, Chính phủ ban hành Nghị định 39/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều về thí điểm đấu giá biển số ôtô. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định số lượng biển số ôtô đấu giá tại mỗi phiên, gồm biển số xe của các tỉnh, thành, ký hiệu series A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z nền trắng, chữ, số màu đen.
Các biển này chưa được đăng ký, dự kiến cấp mới, đang trong hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an. Bộ Công an ký hợp đồng với một tổ chức đấu giá tài sản để đấu giá biển số xe.
Danh sách biển số xe đưa ra đấu giá được công khai 30 ngày trước phiên đấu giá. Đăng ký và tổ chức đấu giá theo hình thức trực tuyến. Người tham gia được cấp tài khoản truy cập, hướng dẫn cách sử dụng tài khoản, cách trả giá.
Công dân nộp tiền hồ sơ, tiền đặt trước của biển số xe đã chọn vào tài khoản tổ chức đấu giá, sau đó được cấp mã số tham gia.
Cũng theo Cục phó Cục CSGT Lê Xuân Đức, Nghị định 39/2023/NĐ-CP ra đời mất một chặng đường dài đến nay mới thực hiện được.
Cục phó Cục CSGT Lê Xuân Đức cung cấp thông tin, việc đấu giá biển ôtô bắt đầu manh nha từ năm 1993, khi Công an TP. Hải Phòng báo cáo Bộ Công an xin phép cấp cơ chế quyền sử dụng biển số và có thu phí.
Tới năm 2018, công an một số địa phương như Nghệ An, Bình Dương, Sơn La, Bà Rịa Vũng Tàu cũng đã đề xuất Bộ Công an để nghiên cứu một cơ chế đấu giá biển số xe.
Tới năm 2021, sau nhiều cuộc thảo luận, bộ tài chính đã báo cáo Thủ tướng xin phép dừng nghiên cứu đấu giá biển số xe do chưa đủ cơ sở pháp lý.
Tháng 11/2022 Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số ôtô, trong đó quy định giá khởi điểm và tiền đặt trước của một biển số đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng, bước giá 05 triệu đồng.
QUÝ NGUYÊN
Bộ Công an chịu trách nhiệm thu chi tiền trúng đấu giá biển số ô tô