/ Pháp luật - Đời sống
/ Dự kiến trước 10/5, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ toàn bộ đề án sắp xếp cấp tỉnh và cấp xã

Dự kiến trước 10/5, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ toàn bộ đề án sắp xếp cấp tỉnh và cấp xã

28/04/2025 15:53 |19 ngày trước

(LSVN) - Dự kiến trước ngày 10/5/2025, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ Đề án chung về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Tới ngày 15/5, Chính phủ sẽ trình toàn bộ hồ sơ tới Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Ngày 28/4, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ và thông tin về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà chủ trì buổi họp báo.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Trước ngày 10/5 sẽ trình Chính phủ toàn bộ đề án sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã trong cả nước

Thông tin tại họp báo, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn (Bộ Nội vụ) cho biết, tiến độ thực hiện các công việc để mô hình chính quyền địa phương 02 cấp đi vào hoạt động hiện đang được các cơ quan tiến hành rất quyết liệt, khẩn trương. Đây là đề án rất lớn, có tác động, ảnh hưởng lớn nhất đến địa phương từ trước đến nay.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, có thể nói sắp tới đây chúng ta hình thành một bộ bản đồ mới của cả nước và của từng địa phương; đồng thời, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta sẽ tổ chức mô hình chính quyền địa phương 02 cấp. Để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, các cơ quan của Quốc hội đang khẩn trương sửa đổi các nội dung liên quan trong Hiến pháp, theo lộ trình, dự kiến sẽ thông qua trong tháng 06/2025 và có hiệu lực từ ngày 01/7 bằng một Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp.

Đồng bộ với đó, Bộ Nội vụ cũng đang tham mưu trình Quốc hội Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 lần này, để đảm bảo từ 01/7, mô hình chính quyền địa phương 02 cấp đi vào hoạt động.

Đến thời điểm này, cơ bản 52 địa phương cấp tỉnh thuộc diện sắp xếp đã hoàn thành việc xây dựng đề án. Các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của các địa phương cũng cơ bản hoàn thành. Bộ Nội vụ đã nhận được 20 hồ sơ đề án của các địa phương.

Bộ Nội vụ cũng đã căn cứ hồ sơ Đề án của các tỉnh, thành phố để thẩm định, tổng hợp và xây dựng Đề án chung trong suốt thời gian nghỉ lễ (từ 30/4 đến 04/5/2025), để kịp thời trình các đề án lên Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, Bộ Nội vụ phấn đấu trước ngày 10/5 sẽ trình Chính phủ toàn bộ đề án sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã trong cả nước.

Dự kiến ngày 15/5, Chính phủ sẽ trình toàn bộ hồ sơ đề án sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã cả nước để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định.

Dự kiến sau sắp xếp còn khoảng 3.300 đơn vị hành chính cấp xã

Về số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm theo định hướng của Trung ương, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cũng cho biết, mới nhận được 20 hồ sơ đề án của địa phương nên chưa có con số chính xác về số lượng xã, phường mới sau sắp xếp.

Bước đầu tổng hợp, dự kiến sau khi sắp xếp giảm khoảng 67% số xã so với hiện nay, còn lại khoảng 3.300 đơn vị hành chính cấp xã, con số cấp xã còn lại cuối cùng sẽ có khi Bộ Nội vụ thẩm định các đề án do địa phương gửi lên và trình Chính phủ, sau đó hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Về tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ công chức cấp xã, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho hay, hiện nay Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, trong đó đề xuất một hệ thống công cụ thống nhất trong hệ thống chính trị các cấp ở địa phương (cấp tỉnh và cấp xã).

Sau này, sẽ có một hệ tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có công chức cấp xã, sau khi Luật Cán bộ, công chức ban hành, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành một nghị định quy định cụ thể của cán bộ, công chức, trong đó có cấp xã.

Về phương án nhân sự, cũng theo Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn, Đảng ủy Chính phủ khi xây dựng đề án đã trình Bộ Chính trị xem xét kỹ lưỡng 03 lần trước khi trình Trung ương. Trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, trong đó có vấn đề nhân sự, biên chế, trước mắt cơ bản sẽ giữ nguyên số lượng biên chế hiện nay. Lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức cấp huyện chuyển về cấp xã sau sắp xếp.

Phương án nhân sự được nêu trong Kết luận 150-KL/TW của Bộ Chính trị, nhưng tinh thần đang thực hiện nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" nên Trung ương chỉ định hướng nguyên tắc chủ trương, còn địa phương toàn quyền quyết định bố trí nhân sự của cấp xã.

Có thể bố trí Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hiện nay về làm Bí thư xã, phường mới, không chỉ giám đốc sở, tỉnh ủy viên hay thành ủy viên, thậm chí các địa bàn quan trọng có thể bố trí Ủy viên Ban Thường vụ cấp tỉnh hiện nay làm người đứng đầu cấp ủy của địa phương.

Bố trí nhân sự ai làm Bí thư, làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch… địa phương sẽ quyết định và chịu trách nhiệm theo các quy định hiện hành. Trong thời hạn 05 năm, Bộ Nội vụ sẽ ban hành Bộ tiêu chuẩn mới để định biên biên chế của từng cấp tỉnh và từng cấp xã tới đây.

Vì sao không giữ lại các thành phố thuộc tỉnh?

Cũng tại họp báo, liên quan đến ý kiến cho rằng nên giữ lại 87 thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương bằng cách xem các thành phố là một loại hình trong cấp chính quyền địa phương cơ sở, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho hay, đề xuất ban đầu của Bộ Nội vụ vẫn có mô hình thành phố, thị xã và xác định đây là một đơn vị hành chính cấp cơ sở, cấp cơ sở sẽ bao gồm: Xã, phường, đặc khu, thành phố, thị xã.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn, khi trình, cấp có thẩm quyền cân nhắc rất kỹ việc này. Bộ Chính trị 03 lần xem xét, cho ý kiến về đề án này, cân nhắc rất kỹ vì sao không giữ lại tên thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Lý do là bởi chúng ta đã thống nhất chủ trương không tổ chức cấp huyện, cấp cơ sở chỉ còn cấp xã.

Mặt khác, có yếu tố tâm lý sợ tác động, ảnh hưởng đến nhiều người dân. Họ sẽ băn khoăn vì sao chủ trương không tổ chức cấp huyện mà vẫn giữ lại thành phố, thị xã hiện đang là cấp huyện.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho biết, sau khi cân nhắc rất kỹ, Bộ Chính trị, Trung ương thống nhất tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, không tổ chức cấp huyện.

Bộ Chính trị, Trung ương cũng thống nhất tổ chức mô hình tương đối gọn nhẹ, để bảo đảm hướng tới phục vụ người dân tốt nhất, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, chính quyền cấp cơ sở gần dân, sát dân…

Theo đó, giữ nguyên cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cấp xã chỉ còn xã, phường, đặc khu (tổ chức ở các địa bàn hải đảo), tới đây sẽ có khoảng 12-13 đặc khu theo phương án trình của các địa phương.

TRẦN QUÂN (t/h)

Các tin khác