(LSVN) - Việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng lần này đã được tiến hành rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới, tiến bộ về chất so với trước.
Đề cập đến công tác chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng,Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị Trung ương 14 đã tập trung thảo luận, góp ý cụ thể và thống nhất rất cao với các nội dung mà Bộ Chính trị đề nghị tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh lần cuối các dự thảo và hoàn tất việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương ghi nhận, biểu dương đại hội đảng bộ các cấp đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện các dự thảo văn kiện; hoan nghênh và cảm ơn các đồng chí lão thành cách mạng, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước, đồng bào ta định cư ở nước ngoài đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với nhân dân, đất nước.
Các Tiểu ban và các cơ quan liên quan đã khẩn trương, nghiêm túc tổng hợp, phân tích, tiếp thu các ý kiến đóng góp xác đáng và phù hợp, xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Trung ương tại Hội nghị lần này.
Trung ương thống nhất cao cho rằng, việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã hoàn thành theo đúng mục tiêu, yêu cầu, kế hoạch đề ra. Các văn kiện trình Đại hội XIII lần này không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 (năm kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước); xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đây sẽ là những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần này đã được tiến hành rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới, tiến bộ về chất so với trước; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, trân trọng lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân; lựa chọn, chắt lọc, tham khảo các đề xuất tâm huyết, trách nhiệm; kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Hệ thống các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng bao gồm Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, cùng với các báo cáo chuyên đề là Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 (gọi chung là Báo cáo kinh tế-xã hội) và Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng đã có sự thống nhất cao, thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng ta, dân tộc ta.
Các văn kiện trình Đại hội của Đảng lần này có nhiều nội dung đổi mới và điểm nhấn quan trọng. Từ cách tiếp cận, mục tiêu phát triển, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, dự báo tình hình thế giới và trong nước, hệ thống các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cho đến các định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược đã thể hiện được những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, chủ trương, phương hướng lớn, cho thấy tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.
Ban Chấp hành Trung ương tin rằng: Với phương châm Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, Đại hội XIII của Đảng sẽ tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng, thống nhất cao trong việc hoàn chỉnh và biểu quyết thông qua các văn kiện của Đại hội, tạo cơ sở cho việc quán triệt, triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và năm 2030 cũng như mục tiêu tổng quát đã đề ra là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định. Phấn đấu đến năm 2025, nước ta là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập cao.
Với hướng đi đúng đắn, hợp quy luật, ý chí vươn lên mãnh liệt, tinh thần đổi mới sáng tạo và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới, sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng của toàn dân tộc ta.
“Thực tế hơn hai năm chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng cho chúng ta thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý, có thể kế thừa, bổ sung, phát triển để có thể làm tốt hơn nữa trong các nhiệm kỳ sau”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
NGUYỄN HOÀNG/VGP