/ Tích hợp văn bản mới
/ Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Đề xuất hai phương án tính lương đóng bảo hiểm xã hội

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Đề xuất hai phương án tính lương đóng bảo hiểm xã hội

20/03/2023 11:38 |

(LSVN) - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó tại dự thảo, bộ đã đề xuất hai phương án tính lương đóng bảo hiểm xã hội.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, 02 phương án tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất gồm:

Phương án một giữ nguyên quy định hiện hành. Theo đó, người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm:

- Mức lương;

- Phụ cấp lương;

- Các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Theo phương án này, mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác đều đã xác định từ trước, những khoản biến động trong quá trình làm việc của lao động chưa được tính đóng.

Phương án hai, căn cứ đóng là tiền lương tháng bao gồm:

- Mức lương;

- Phụ cấp lương;

- Các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động.

Theo phương án này, tiền được tính đóng bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động. Như vậy, nền tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ được nâng lên để hưởng lương hưu cao hơn.

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Dự thảo luật cũng nêu rõ, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng 2 triệu đồng; tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất bằng 36 triệu đồng. Chính phủ quy định việc điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến của Nhân dân đến tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.

Hiện hành tại Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì xác định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc như sau:

- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.

- Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

- Trường hợp tiền lương tháng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.

DUY ANH

Đề xuất 2 phương án khi rút bảo hiểm xã hội một lần

Bùi Thị Thanh Loan