Ảnh minh họa.
Hiện nay, tại Luật Đất đai năm 2013 quy định hồ sơ địa chính bao gồm các tài liệu dạng giấy hoặc dạng số thể hiện thông tin chi tiết về từng thửa đất, người được giao quản lý đất, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, các quyền và thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính và việc lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính; lộ trình chuyển đổi hồ sơ địa chính dạng giấy sang hồ sơ địa chính dạng số.
Tuy nhiên, tại Điều 107 dự thảo Luật Đất đai đã sửa đổi bổ sung quy định về nội dung, vai trò của hồ sơ địa chính trong công tác quản lý đất đai.
Theo đó, hồ sơ địa chính bao gồm các tài liệu thể hiện thông tin chi tiết về từng thửa đất, người được giao quản lý đất, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, tình trạng pháp lý của thửa đất và tài sản gắn liền với đất phản ảnh đầy đủ tình hình quản lý sử dụng đất trên địa bàn.
Hồ sơ địa chính được sử dụng để:
- Làm công cụ quản lý đất đai.
- Bảo vệ quyền và xác định nghĩa vụ của người sử dụng đất, người quản lý đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.
- Xác định các khoản thu tài chính từ đất đai.
- Giám sát biến động thị trường quyền sử dụng đất.
- Hỗ trợ người sử dụng đất trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
- Hỗ trợ các ngành, các cấp chỉ đạo điều hành, xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng.
- Cung cấp thông tin cho nhà đầu tư có nhu cầu tiếp cận đất đai.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 109 dự thảo Luật cũng bổ sung quy định trách nhiệm lập, cập nhật, khai thác hồ sơ địa chính. Cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc lập hồ sơ địa chính tại địa phương.
HỒNG HẠNH