/ Tin tức
/ Dụ thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Xây dựng bảng giá đất cần bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực

Dụ thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Xây dựng bảng giá đất cần bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực

14/11/2022 08:43 |

(LSVN) - Đối với quy định về bảng giá đất, đại biểu Quốc hội nêu rõ trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất. Do đó, đại biểu đề nghị cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hàng năm.

Toàn cảnh phiên thảo luận.

 Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng ngày 14/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập hiện hành trong quản lý, sử dụng đất đai và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực đưa đất nước ta phát triển có thu nhập cao.

Đồng thời, các đại biểu cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật phức tạp, có phạm vi tác động rộng và quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Các đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện dự thảo luật để bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện của pháp luật về đất đai.

Góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) quan tâm đến quy định mở rộng hạn mức nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 15 lần tại Điều 181 của dự thảo Luật.

Qua thực tiễn cho thấy, chưa phát sinh vướng mắc gì trong việc thực hiện quy định này. Với tốc độ phát triển như hiện nay, việc nhìn nhận nâng hạn mức là phù hợp. Và để tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị cần tiếp tục quy định về hạn mức.

Đề cập về tài chính về giá đất tại Chương 11, dự thảo Luật đã bỏ khu đất đai, khung giá đất của Chính phủ. Đại biểu cho rằng, đây là nội dung sửa đổi quan trọng, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, làm sao để xác định giá đất sát với giá thị trường là một bài toán rất khó.

Do đó, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, việc xác định giá đất sát với giá thị trường là điều mà luật phải tính toán kỹ và cần quy định chặt chẽ công tác công khai thông tin, tuyên truyền về giá để hạn chế tình trạng sốt đất ảo, giúp cân bằng ổn định về giá thị trường, có chế tài xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá ảo về đất, gây nhiễu loạn thị trường đất đai.

Liên quan đến quy định đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn với tài sản gắn liền với đất, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị cần có quy định cụ thể để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên. Về hòa giải tranh chấp đất đai quy định tại Điều 234, dự thảo Luật có ba hình thức hòa giải: Tự hòa giải; Hòa giải ở cơ sở và Hòa giải tại Tòa án.

Thảo luận liên quan tới quy định về bảng giá đất, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) nêu rõ thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua có một phần nguyên nhân là do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất.

Nhấn mạnh tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể, đại biểu đề nghị cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hàng năm.

Cùng phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) cũng cho rằng, việc xác định định giá đất tiếp cận với giá thị trường là điều rất khó; cần phải quy định thể chế thật kỹ về tiêu chí, điều kiện, có căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, cơ sở để tham khảo từ Hội đồng định giá để bảo đảm định giá sát với giá thị trường.

Đối với áp giá đền bù, đại biểu đánh giá cao cách tiếp cận đó là khi đền bù nhà cửa trên đất, đền bù theo đơn giá xây dựng mới. Đây là một cách tiếp cận rất tiến bộ và cần phát huy và quy định chặt chẽ trong luật nội dung này.

Đại biểu Phan Thái Bình cũng nhắc tới vấn đề thể chế hóa chủ trương Nghị quyết 18 của Trung ương. Trong đó định hướng tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Đại biểu cho rằng, cần phải nhận thức rõ vấn đề tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân giới hạn ở mức độ nào, thỏa thuận về những vấn đề gì, có đề cập đến vấn đề thỏa thuận về chuyển nhượng quyền sử dụng.

Đại biểu đề nghị cân nhắc rất kỹ để thể chế hóa chủ trương này, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ hơn, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động.

Đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, thể chế, quan điểm của Trung ương phải trên tinh thần tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân trong việc quyết định quyền sử dụng đất (giao cho doanh nghiệp hay góp vốn, định giá). Tuy nhiên, về giá phải thống nhất một mức giá theo quy định của giá Nhà nước, để đảm bảo sự công bằng, minh bạch. Đồng thời, cần quan tâm đến cơ chế và kiểm soát thỏa thuận này như thế nào.

TRẦN QUÝ

Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập Cơ quan thanh tra chuyên ngành

Lê Minh Hoàng