Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Việc sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet, không gian mạng; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 17 năm thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thiếu các quy định cụ thể về giá trị pháp lý của các yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như thông điệp dữ liệu, hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử, chưa có quy định làm rõ giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại.
Bên cạnh đó, Luật còn thiếu các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước; chưa cập nhật và đồng bộ các quy định về an toàn, bảo mật theo Luật An toàn thông tin mạng, chưa có quy định về việc quản lý các hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là phương tiện và môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử…
Do đó, dự thảo Luật sửa đổi lần này quy định chi tiết cách thức xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu. Bổ sung quy định điều kiện bảo đảm giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại, bổ sung các quy định về chứng thư điện tử.
"Việc đưa ra khái niệm chứng thư điện tử và bảo đảm giá trị pháp lý cho hình thức này là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử trong các ngành, lĩnh vực và xã hội diễn ra, toàn bộ từ đầu đến cuối bằng phương tiện điện tử", Bộ trưởng Hùng cho biết.
Đề cập đến dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Niềm tin chính là vấn đề quan trọng nhất trong giao dịch điện tử, việc thiếu các hoạt động bảo đảm của bên thứ ba cho hoạt động giao dịch điện tử là rào cản lớn nhất cho việc chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số. Dự thảo Luật sửa đổi lần này sẽ bổ sung 5 dịch vụ tin cậy.
Về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, dự thảo Luật bổ sung các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử, hướng đến việc chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ, thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với rất nhiều tài liệu để phục vụ cho dự án luật này nhằm cung cấp thông tin để Quốc hội có cơ sở nghiên cứu và thảo luận.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần làm rõ hơn một số quy định rất quan trọng là sự cần thiết và mục đích ban hành luật này, những tồn tại và hạn chế sau 17 năm thi hành.
Liên quan đến sự thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ "nội hàm của giao dịch" được quy định ở các luật khác, cần thống kê và phân tích với các phụ lục kèm theo, không thay đổi các nội dung mà luật khác đã quy định vì luật này chỉ thay đổi về phương thức giao dịch chứ không thay đổi về nội dung giao dịch.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử là xu hướng đúng, song cần tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo về mức độ và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi, an ninh, an toàn cho người dân.
Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Theo Chủ tịch Quốc hội, giao dịch điện tử thực chất là phương cách để thực hiện giao dịch. Do đó cần đảm bảo không phát sinh thêm thủ tục, quy trình, điều kiện bắt buộc khi thực hiện. Hiện 158 nước đã có quy định luật pháp liên quan đến nội dung này. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, trong luật mẫu, luật khung, các cam kết quốc tế đã tham gia. Đặt vấn đề về xu hướng giao dịch điện tử, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là dự án luật đi sâu vào kỹ thuật, đặc thù nên cần soát xét để thuật ngữ trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ…
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 tới đây.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, dự án luật cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận và cho ý kiến; đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để hoàn thiện dự án luật; tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, nhất là Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để hoàn thiện dự thảo luật, góp phần chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện nhằm phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng, ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn trên không gian mạng…
PV
Mức phạt hành chính đối với người chưa thành niên như thế nào?