Ảnh minh họa.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ cho biết, hoạt động thanh tra và kiểm tra phục vụ yêu cầu quản lý của các cơ quan rất khác nhau về mục đích, yêu cầu, trình tự, thủ tục và hệ quả pháp lý. Hoạt động thanh tra đã được luật hóa và thực hiện có hiệu quả trong nhiều năm qua. Hoạt động kiểm tra là hoạt động thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào phân định rõ hoạt động thanh tra và kiểm tra. Để tạo thuận lợi cho các cơ quan nhà nước có cơ sở pháp lý để lựa chọn công cụ thanh tra, kiểm tra phục vụ yêu cầu quản lý, dự thảo Luật đã phân định rõ hoạt động thanh tra và kiểm tra (Điều 9, dự thảo Luật), cụ thể:
- Thanh tra là hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền để xem xét, đánh giá, xử lý việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Hoạt động thanh tra bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.
- Kiểm tra là hoạt động được thực hiện thường xuyên, liên tục của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý nhằm đôn đốc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trật tự quản lý.
Luật Thanh tra đã được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2011. Qua gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao quả quản lý nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, Luật Thanh tra cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra. Vì vậy, việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra hiện hành là cần thiết.
Thanh tra Chính phủ cho biết, việc sửa đổi Luật Thanh tra sẽ tập trung làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan thanh tra; tạo bước đổi mới về tổ chức và hoạt động thanh tra; tăng cường tính chủ động, tính tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Đồng thời, tích hợp các chức năng của các cơ quan thanh tra trên các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt là kết hợp chức năng thanh tra với phòng, chống tham nhũng; giữa giải quyết khiếu nại, tố cáo với tiếp công dân nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước.
Tổ chức các cơ quan thanh tra theo hướng tinh gọn, hoạt động thực sự hiệu quả, hiệu lực trở thành một thiết chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước và việc thực hiện công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần chấn chỉnh và hoàn thiện cơ chế quản lý, xây dựng một nền công vụ liêm chính và phục vụ, phù hợp với yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính và hành động hiện nay.
HỒNG HẠNH
Tất cả người dân tại Quảng Ninh phải khai báo sức khỏe từ ngày 03/02