/ Thư viện pháp luật
/ Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch và đại biểu HĐND TP. Hà Nội

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch và đại biểu HĐND TP. Hà Nội

21/09/2023 11:17 |

(LSVN) - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc củng cố, nâng cao năng lực của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội thông qua việc tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách và tăng số Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố là cần thiết, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị.

Ảnh minh họa.

Tại phiên họp thứ 26 ngày 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 09 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Trên cơ sở bám sát quan điểm chỉ đạo, 09 nhóm chính sách đã thông qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật được bố cục thành 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Trong đó, về mô hình tổ chức, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền TP. Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức Hội đồng nhân dân phường) và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc TP. Hà Nội. 

Đồng thời, tăng cường năng lực của Hội đồng nhân dân thành phố trên cơ sở kế thừa, bổ sung Nghị quyết số 160/2021/QH14. Theo đó, dự thảo đề xuất tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, tỷ lệ đại biểu chuyên trách, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương,...

Liên quan đến tổ chức chính quyền tại Thủ đô, báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc củng cố, nâng cao năng lực của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội thông qua việc tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách và tăng số Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố là cần thiết, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị. 

Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị nên cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định trong dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

VĂN QUANG

Bùi Thị Thanh Loan