/ Tích hợp văn bản mới
/ Dự thảo Thông tư quy định về đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hoá trong CAND

Dự thảo Thông tư quy định về đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hoá trong CAND

05/01/2021 18:14 |

(LSVN) - Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định về đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hoá trong Công an nhân dân (CAND).

Ảnh minh họa.

Dự thảo gồm 03 chương 27 điều. Theo đó, dự thảo Thông tư quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hóa trong CAND theo dự án đầu tư và theo dự toán mua sắm.

Dự thảo Thông tư này áp dụng đối với đơn vị trực thuộc Bộ; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; học viện, trường CAND; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hóa trong CAND.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Công an (gọi tắt là doanh nghiệp) và đơn vị sự nghiệp công lập trong CAND sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để mua vật tư, nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất sản phẩm công ích phục vụ công tác công an; đơn vị sự nghiệp công lập trong CAND sử dụng: (1) quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các quỹ hợp pháp khác để đầu tư, mua sắm tài sản, (2) nguồn thu hoạt động sự nghiệp để mua hóa chất, vật tư y tế tiêu hao phục vụ công tác khám và điều trị bệnh, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định mua sắm áp dụng theo quy định của Thông tư này và các quy định khác có liên quan.

Nguồn kinh phí đầu tư, mua sắm gồm:

- Vốn đầu tư phát triển.

- Kinh phí thường xuyên.

- Kinh phí UBND địa phương cấp.

- Kinh phí: chi sự nghiệp, chương trình mục tiêu, chi đặc biệt, chi dự trữ quốc gia.

- Kinh phí hợp pháp khác.

Quy trình đầu tư, mua sắm gồm mua sắm theo dự án đầu tư và mua sắm theo dự toán, trong đó, mua sắm theo dự toán được thực hiện theo trình tự sau:

  • Lập, thẩm định, phê duyệt dự toán mua sắm.
  • Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
  • Lựa chọn nhà thầu (lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu; mời thầu); đánh giá hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất; thương thảo hợp đồng; thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện, ký kết hợp đồng; tiếp nhận hàng hóa, nghiệm thu; thanh toán.
  • Cấp phát, theo dõi tài sản, hàng hóa mua sắm.
  • Quyết toán vốn đầu tư, kinh phí mua sắm.

Bên cạnh đó, Chương II của dự thảo Thông tư đã quy định cụ thể đối với việc thẩm định, trình duyệt và quyết định đầu tư, mua sắm; Mua sắm theo dự án đầu tư và dự toán mua sắm; Cấp phát, thanh toán, thẩm định, kiểm soát và quyết toán vốn đầu tư, kinh phí mua sắm; Mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung; Đăng tải thông tin về đấu thầu và đấu thầu qua mạng; Giám sát và đánh giá đầu tư, kiểm tra, giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư, đấu thầu mua sắm.

Việc đăng tải thông tin về đấu thầu và đấu thầu qua mạng quy định Công an các đơn vị, địa phương khi soạn thảo các văn bản, tài liệu thuộc gói thầu của các dự án đầu tư, dự toán mua sắm phải căn cứ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước để xác định những tài liệu đó thuộc danh mục bí mật nhà nước hay không, trên cơ sở đó, quyết định việc công khai, đăng tải thông tin về đấu thầu theo quy định tại Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT và văn bản hướng dẫn của Bộ Công an. Việc cung cấp, giao nhận, lưu trữ tài liệu thuộc gói thầu có chứa bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của Thông tư số 38/2020/TT-BCA…

Ngoài ra, nguyên tắc đầu tư, mua sắm phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công; đấu thầu; quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan. Bảo đảm tuân thủ chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế, dự toán của dự án đầu tư, dự toán mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt; tổ chức mua sắm phù hợp với chỉ tiêu kế hoạch vốn được giao.

LINH NHI

/huong-dan-ap-dung-bien-phap-khan-cap-tam-thoi-cua-bo-luat-to-tung-dan-su.html