Ảnh minh họa.
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh nói riêng đã triển khai thực hiện khá tốt mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) trong sản xuất, phát triển các dịch vụ, sản phẩm đặc hữu ở địa phương, tính đến năm 2023, toàn tỉnh có 3.958 tổ hợp tác, với tổng số thành viên tham gia là 47.495 người, có 405 HTX đang hoạt động; có 3 liên hiệp HTX đang hoạt động với 18 HTX thành viên.
Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là các HTX nông nghiệp) đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và quản trị truyền thống, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ cao để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng (VietGap, hữu cơ, GlobalGap, OCOP...). Đó là mô hình HTX nuôi trồng, chế biến thủy sản, cá hồi, cá tầm Thức Mai (thị xã Sa Pa); mô hình sản xuất, chế biến chè chất lượng cao HTX Bản Liền (huyện Bắc Hà), HTX chè Mường Khương, HTX Bản Sen (huyện Mường Khương); mô hình sản xuất quế của HTX nông nghiệp và dịch vụ Cầu Mây (huyện Bảo Yên)... Nhiều loại hình HTX liên kết trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững; đã thúc đẩy phát triển kinh tế hộ thành viên, tạo việc làm, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Luật HTX năm 2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/7/2024. Luật này đã thể hiện rõ các quan điểm cơ bản, trong đó, bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX ở nước ta trong thời gian tới; bám sát Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các quy định của luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển HTX ở nước ta từ khi có Luật HTX năm 2012, tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với xu thế vận động và phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới. Đồng thời, xây dựng một luật chung thống nhất cho các đối tượng trong khu vực kinh tế tập thể, lấy đối tượng HTX là trung tâm, đối xử bình đẳng như các tổ chức kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Luật HTX năm 2023 được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng, tạo điều kiện thúc đẩy cho các HTX tham gia vào nền kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới hiện nay. Hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng giúp HTX có được đòn bẩy để phát triển trong quá trình thành lập và hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng không triệt tiêu những nguyên tắc cơ bản của mô hình HTX, đặc biệt là nguyên tắc tự chủ. Đây chính là cơ hội để các HTX phát triển trong thời gian tới.
Việc tuyên truyền, phổ biến để đưa Luật HTX 2023 đi vào cuộc sống đã được các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp triển khai rộng rãi đến các tầng lớp Nhân dân, trong đó có vai trò, trách nhiệm đặc biệt quan trọng của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn bà con Nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục vận hành mô hình HTX hiện có và nhân rộng thành lập các HTX để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong sản xuất, phát triển các sản phẩm đặc hữu ở địa phương. Với vai trò là cầu nối trực tiếp để dẫn dắt bà con nhân triển khai mô hình kinh tế HTX, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, cần quan tâm đến những việc sau:
Một là, cấp ủy, chính quyền cần quán triệt và giao trách nhiệm cho cán bộ, công chức, đặc biệt là công chức phụ trách lĩnh vực, nghiên cứu kỹ nội dung cơ bản của Luật, đặc biệt là những điểm mới của Luật và các các nhóm chính sách sẽ được thụ hưởng đối với các HTX… để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả luật HTX 2023, đồng thời hướng dẫn, truyên truyền đến bà con, nhân dân trong việc vận hành các HTX hiện có và nhân rộng thành lập mới các HTX ở địa phương.
Hai là, cấp ủy, chính quyền cơ sở cần tiến hành khảo sát tiềm năng, lợi thế của các địa phương để có thể gợi mở cho bà con ở địa phương lựa chọn loại sản phẩm đặc hữu để tổ chức mô hình HTX, như: Ở Sa Pa có thành lập các HTX liên kết các hộ gia đình nuôi cá nước lạnh, trồng dược liệu, trồng hoa, trồng rau sạch, liên kết các hộ gia đình trong phát trển du lịch cộng đồng; huyện Si Ma Cai có thể liên kết trong chăn nuôi Vịt Sín Chéng, gà đen, lợn bản, trồng cây ăn quả; huyện Mường Khương có thể liên kết các hộ gia đình để sản xuất tương ớt bản địa; trồng quyết, gạo đặc sản, lợn bản….
Ba là, các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng cần khảo sát, đánh giá, nắm bắt kịp thời những thách thức, khó khăn trong quá trình thành lập và hoạt động của HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: điều kiện kinh tế - xã hội của thành viên; trình độ dân trí của đồng bào; điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của HTX; sự khó khăn của các HTX trong việc tiếp cận các chính sách về vốn, đất đai, về khoa học - công nghệ, thị trường để từ đó gợi mở cho bà con các giải pháp khắc phục hoặc kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Bốn là, cấp ủy, chính quyền cần định hướng lựa chọn sản phẩm đặc hữu ở địa phương, định hướng hạt nhân có năng lực tham gia thành lập, quản trị HTX, hướng dẫn thủ tục thành lập HTX, kết nối để chức tập huấn cho các Ban quản trị HTX, hướng dẫn các HTX về các điệu kiện, thủ tục có thể được thủ hưởng các chính sách khi thành lập HTX.
Năm là, cần nghiên cứu, xem xét tính đồng bộ của việc triển khai các nhóm chính sách của HTX, việc thành lập và vận hành mô hình kinh tế HTX ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số có mối liên hệ như thế nào đối với quá trình triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, về xây dựng nông thôn mới, về chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang triển khai ở địa phương.
Sáu là, cấp ủy, chính quyền cơ sở tiếp tục chủ động tăng cường truyền thông rộng rãi về tiềm năng, lợi thế ở địa phương, tạo sức hút trong thu hút đầu tư, thúc đẩy các mô hình liên kết trong sản xuất, phát triển các sản phẩm đặc hữu ở địa phương, trong đó việc thành lập, vận hành mô hình HTX ở các địa phương là một mắt xích rất quan trọng để tạo thành chuỗi liên kết giá trị bền vững ở các địa phương.
Đưa Luật HTX 2023 vào cuộc sống nói chung và vận dụng vào phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở để hướng dẫn bà con tiếp tục vận hành mô hình HTX, thành lập mới các HTX để liên kết phát triển các sản phẩm đặc hữu ở địa phương, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho bà con, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thạc sĩ LƯƠNG VĂN TINH