Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành, bảo đảm gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách hành chính.
Những kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh, đưa luật, pháp lệnh thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết thời gian tới, Chính phủ tiếp tục xác định việc triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Ưu tiên xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và 2022, nhất là các dự án luật để thể chế hóa các Văn kiện Đại hội XIII, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp...
Chính phủ đề nghị Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó ưu tiên các dự án thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các dự án hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường phối hợp với Chính phủ ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật. Xác định và bổ sung nguồn kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.
Ngoài ra, Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh... đạt được những kết quả tích cực.
Về cơ bản, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật được Chính phủ, các bộ, ngành, cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả; nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần phản ánh đầy đủ, toàn diện tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết hằng năm theo quy định của Luật Giám sát, đồng thời có những đánh giá đi vào chiều sâu theo yêu cầu của Nghị quyết số 67.
Liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, Ủy ban Pháp luật cho rằng năm 2021, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực và đổi mới để đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, đồng thời đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá cụ thể hơn những đổi mới này.
Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ một số nội dung liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tập huấn và hướng dẫn áp dụng pháp luật; việc tuân thủ quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết; công tác thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính và kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật;…
PV