Ảnh minh họa.
Thế nào là môi giới xuất, nhập cảnh trái phép?
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, liên quan đến hoạt động môi giới, tại Điều 150, Luật Thương mại 2005 có quy định:
Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.
Có thể hiểu, hoạt động môi giới đem lại lợi ích cho bên được môi giới và bên moi giới sẽ nhận được một khoản thù lao theo thỏa thuận
Mặt khác, hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh được hiểu như sau:
- Xuất cảnh: Là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và đi qua cửa khẩu Việt Nam.
- Nhập cảnh: Là việc người nước ngoài đi vào lãnh thổ Việt Nam và đi qua cửa khẩu của Việt Nam.
Từ những căn cứ trên có thể thấy hoạt động môi giới xuất cảnh, nhập cảnh là việc dẫn dắt, làm trung gian cho người có nhu cầu xuất cảnh hoặc nhập cảnh với người có khả năng tổ chức cho người khác xuất cảnh hoặc nhập cảnh nhằm giúp người này đi ra hoặc đi vào lãnh thổ Việt Nam.
Hoạt động môi giới xuất cảnh, nhập cảnh hiện nay không bị pháp luật ngăn cấm. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, tổ chức đã có hành vi môi giới xuất cảnh, nhập cảnh trái phép (xuất cảnh, nhập cảnh khi không có giấy phép; làm giả giấy phép để đưa người đi xuất nhập cảnh...) nhằm mục đích thu lợi bất chính. Khi đó, hành vi này được xác định là hành vi vi phạm pháp luật.
Môi giới xuất, nhập cảnh trái phép bị xử lý ra sao?
Tại Điều 348, Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ, người nào mà vì mục đích vụ lợi tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có thể bị xử lý hình sự về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép".
Theo đó, mức phạt với tội này được quy định như sau:
Hình phạt chính
- Khung 01:
Phạt tù từ 01 - 05 năm.
- Khung 02:
Phạt tù từ 05 - 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Đối với từ 05 người - 10 người;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Thu lợi bất chính từ 100 - dưới 500 triệu đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Khung 03:
Phạt tù từ 07 - 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Đối với 11 người trở lên;
+ Thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên;
+ Làm chết người.
Hình phạt bổ sung:
Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Người xuất, nhập cảnh trái phép bị xử lý thế nào?
Tương tự, trường hợp môi giới xuất, nhập cảnh trái phép, người xuất, nhập cảnh trái phép cũng bị xử lý theo quy định pháp luật. Cụ thể, người nào xuất, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này lại tiếp tục vi phạm thì bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.
Điều này được hướng dẫn tại Mục 2.2 Công văn 1557/VKSTC-V1 năm 2021 như sau: Việc áp dụng tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” trong tội "Vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh"; tội "Ở lại Việt Nam trái phép” (Điều 347, Bộ luật Hình sự 2015).
Điều 347, Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm...”. Do Điều luật quy định 03 hành vi phạm tội độc lập (Xuất cảnh trái phép; Nhập cảnh trái phép; Ở lại Việt Nam trái phép), nên tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” được hiểu là đã bị xử phạt hành chính về hành vi tương ứng.
Theo quy định trên, trong trường hợp người vi phạm đã từng bị xử lý về hành vi xuất nhập cảnh trái phép trước đây mà này tiếp tục bị phát hiện thì sẽ bị xử phạt theo mức phạt nêu trên.
TRẦN QUÝ