Hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T trưng bày tại triển lãm Hàng không Quốc tế tại Berlin ngày 25/6/2022. Ảnh: Getty Images.
“Các nước láng giềng châu Âu nên thiết lập một hệ thống phòng không chung trong bối cảnh xung đột Ukraine và các thách thức an ninh khác xảy ra”, kênh truyền hình RT dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Đại học Charles ở Prague ngày 29/8.
“Chúng ta có rất nhiều việc để làm khi nói đến phòng thủ trước các mối đe dọa trên không và trên không gian tại châu Âu. Đó là lý do tại sao Đức sẽ đầu tư đáng kể vào hệ thống phòng không của châu Âu trong những năm tới. Đồng thời, ngay từ đầu, Đức sẽ thiết kế hệ thống phòng không trong tương lai theo cách mà các nước láng giềng châu Âu vẫn có thể tham gia nếu họ muốn. Đây cũng sẽ là một lợi thế an ninh cho châu Âu nói chung và là một ví dụ điển hình cho thấy sức mạnh trụ cột châu Âu trong khối NATO được củng cố”, nhà lãnh đạo nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Sholz, duy trì lá chắn phòng không chung sẽ hiệu quả hơn cả về mặt chi phí thay vì từng quốc gia châu Âu tiếp tục phát triển các giải pháp phòng thủ riêng.
Nhà lãnh đạo Đức cũng nói rằng Berlin có thể đảm nhận trách nhiệm đặc biệt trong giúp Ukraine có được các loại vũ khí phòng không và hệ thống pháo tiên tiến theo một phần của kế hoạch chia sẻ gánh nặng.
Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý chi 500 triệu euro để thúc đẩy mua vũ khí và bổ sung kho dự trữ quân sự chung của khối đã cạn kiệt sau khi chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Trước đây, các nhà lãnh đạo EU từng kêu gọi các nỗ lực phòng thủ chung để làm cho khối mạnh hơn. Năm 2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất thành lập quân đội châu Âu thực sự để hỗ trợ cho khối quân sự NATO.
PV/TTXVN
Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa