Quang cảnh một phiên họp của Quốc hội Liên bang Đức ở Berlin ngày 31/1/2014. Ảnh: ÀFP/TTXVN.
Tháng 3/2023, chính phủ liên bang đã thông qua luật bầu cử mới nhằm hạn chế quy mô của Bundestag xuống còn 630 ghế. Sau cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất vào năm 2021, số lượng nghị sĩ quốc hội đã tăng lên 736, khiến Bundestag lớn hơn bất kỳ quốc hội được bầu cử dân chủ nào trên thế giới, và rất tốn kém. Ngân sách liên bang năm 2023 đã giành khoảng 1,4 tỉ euro để chi cho Quốc hội.
Hệ thống bầu cử của Đức nổi tiếng là phức tạp. Cử tri bỏ hai phiếu: Một phiếu cho đại biểu đại diện cho khu vực bầu cử của họ và một phiếu cho đảng mà họ ưa thích. Tất cả các ứng cử viên được bầu trực tiếp từ các khu vực bầu cử đều chắc chắn có một ghế trong Quốc hội và các ghế khác sẽ được phân bổ theo tỉ lệ phiếu bầu toàn quốc mà mỗi đảng giành được. Đến nay, khi một đảng giành được nhiều khu vực bầu cử hơn số ghế mà họ được hưởng theo tỉ lệ phiếu bầu toàn quốc, các đại diện được bầu trực tiếp vẫn sẽ có một ghế trong quốc hội, dẫn đến cái gọi là "ghế phụ" (Überhangmandate). "Ghế điều hoà" (Ausgleichsmandate) sau đó được trao cho các đảng khác để đảm bảo tất cả đều có được tỉ lệ ghế theo phiếu bầu toàn quốc. Trong cuộc bầu cử Bundestag gần đây nhất vào năm 2021, điều này đã dẫn đến tổng cộng 138 ghế bổ sung.
Cuộc cải cách luật bầu cử vừa qua nhằm xóa bỏ quy định này: Nếu một đảng giành được nhiều khu vực bầu cử hơn mức họ được theo số phiếu bầu trên toàn quốc, những ứng cử viên của đảng này được bầu trực tiếp sẽ không còn chắc chắn giành được một ghế trong quốc hội nữa.
Ngày 30/7, Tòa án Hiến pháp Liên bang tại Karlsruhe cho rằng: "Điều khoản 5% theo cơ cấu hiện tại không tương thích với Luật cơ bản (tức Hiến pháp)", đề cập đến ngưỡng 5% số ghế mà một đảng cần phải có để được lập một nhóm nghị viện tại Bundestag. Cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra trong hơn 1 năm nữa, vào tháng 9/2025. Do đó, tòa án đã ra lệnh áp dụng quy tắc chuyển tiếp, duy trì ngưỡng 5%.
Trong hơn một thập kỷ qua, đã có những nỗ lực thu hẹp quốc hội, nhưng tất cả đều thất bại.
Phán quyết trên được coi là một đòn giáng nữa vào chính phủ liên bang. Tháng 11/2023, Tòa án Hiến pháp đã ra phán quyết chống lại việc chuyển mục đích sử dụng các quỹ khẩn cấp ban đầu được dành để đối phó với đại dịch Covid-19. Điều đó khiến chính phủ phải vật lộn để lấp đầy lỗ hổng 60 tỉ euro (65 tỉ USD) trong ngân sách, khiến liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) lao đao.
Theo TTXVN