Ảnh minh họa.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình, khoảng 18h30 ngày 21/01, tại quán bánh mỳ Quỳnh Anh (ở Tổ 5, thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), do mâu thuẫn vợ chồng, trong lúc bức xúc với vợ, Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 1987) cầm một con dao thái cứa vào cổ hai con đẻ là Nguyễn Minh K. (sinh năm 2017) và Nguyễn Quỳnh A. (sinh năm 2018).
Thấy sự việc trên, người làm tạp vụ của quán chạy đến can ngăn, Nguyễn Văn Mạnh liền cầm dao tự cứa vào cổ của mình... Sau đó, hai cháu Nguyễn Minh K. và Nguyễn Quỳnh A. cùng Nguyễn Văn Mạnh được mọi người xung quanh khu vực đưa đi bệnh viện cấp cứu. Hậu quả, Nguyễn Văn Mạnh và hai cháu bị thương, rách da ở vùng cổ, tuy nhiên sức khỏe ổn định, không nguy hiểm đến tính mạng.
Công an tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quỳnh Phụ giữ người trong trường khẩn cấp và thi hành lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Mạnh để điều tra theo quy định của pháp luật.
Xử lý như thế nào?
Về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc sử dụng dao cứa vào cổ 2 con đẻ của mình là hành vi bạo lực xâm phạm thân thể của người dưới 16 tuổi được pháp luật bảo vệ. Theo đó, hành vi của đối tượng Nguyễn Văn Mạnh có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 185 Bộ luật Hình sự, với mức xử phạt từ 02 năm đến 05 tù.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công ty Luật TNHH TGS.
Bên cạnh tội danh này, thì hành vi của Mạnh còn phụ thuộc vào ý chí, động cơ, mục đích của hành vi là nhằm cố ý gây thương tích cho 02 con hay là nhằm mục đích giết người mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” hoặc tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 và Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, căn cứ vào cách đối xử tồi tệ, vì động cơ đe hèn chỉ vì mâu thuẫn bức xúc giữa vợ chồng mà có cách hành xử không đúng với đạo đức và lương tâm, từ đó có hành vi sử dụng dao cứa vào cổ 2 con đẻ nhằm mục đích gây thương tích, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích, tâm lý của các con. Hành vi cầm dao tự cứa vào cổ của mình cũng là một cách xử lý thiếu văn hóa và vô đạo đức vi phạm điều cấm của pháp luật được quy định tại khoản 7 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016.
Trách nhiệm nuôi dưỡng thuộc về ai?
Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, trong vụ án này, trường hợp người bố bị án phạt tù nhiều năm, chung thân hoặc tử hình, trách nhiệm nuôi dưỡng 2 con sẽ thuộc về người vợ. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Cha, mẹ có nghĩa vụ thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội; Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ...
Có thể thấy, đối với sự an toàn của trẻ em, bố mẹ là người chịu trách nhiệm lớn nhất. Dù họ có chịu mức xử phạt nào của pháp luật hay lương tâm, dư luận thì cũng không thể bù đắp được cho những đau đớn về thể xác, lẫn tinh thần mà những đứa trẻ phải chịu đựng. Với hành vi sử dụng vũ lực, bạo lực, đánh đập, hành hạ đến mức gây thương tích hoặc chết người thì cần phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
NGỌC ANH
Việt Nam ghi nhận 135 ca nhiễm biến chủng Omicron tại 10 tỉnh, thành phố