/ Bút ký Luật sư
/ Đứng dậy và đi... 

Đứng dậy và đi... 

05/01/2021 17:55 |

LSVNO - Tôi để chiếc điện thoại trong hộp kính có ổ khóa bên ngoài khi làm việc với khách hàng trong trại tạm giam cùng điều tra viên tại một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, nên mãi gần trưa hôm qua mới đọ...

LSVNO - Tôi để chiếc điện thoại trong hộp kính có ổ khóa bên ngoài khi làm việc với khách hàng trong trại tạm giam cùng điều tra viên tại một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, nên mãi gần trưa hôm qua mới đọc một tin nhắn như một lời reo ca từ phương Nam: “Anh Hoài ơi, xong rồi anh ơi !” Lục tìm mãi trong trí nhớ, mới nhận ra đó là vợ của một bị cáo mà tôi đã từng nhận trách nhiệm bào chữa...

Vậy là tôi hiểu, ”xong rồi” có nghĩa là mọi việc đã ổn, khách hàng của mình có lẽ đã nhận được một mức án có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh hiện nay. Vấn đề ở chỗ, tôi đã không ở bên cạnh thân chủ vào thời điểm tòa tuyên án. Đơn giản là khách hàng đã làm đơn gửi cho tòa và cho luật sư, rằng tại phiên tòa này, bị cáo sẽ tự mình bào chữa, không phải làm phiền đến luật sư nữa.

 Ảnh minh họa.

Nhưng không hiểu sao, khi người vợ đến văn phòng, tôi nhìn thấy chị quấn một vành khăn màu nâu gụ để che đi mái tóc dài tha thướt bị cắt trụi, nước mắt lưng tròng, làm tôi cũng xúc động. Trời ạ, vì sao khi đưa lá đơn đề nghị xin thôi không nhờ luật sư nữa mà đau đớn thế? Cô con cái đang tuổi lớn, mặc đồng phục sinh viên, dìu mẹ ra cửa, nước mắt cũng như nhòa đi. Tôi dõi theo bước chân của họ, tuy không nói ra, nhưng ngập ngừng che giấu một điều gì đó.

May mà ở cuối lá đơn, khách hàng của tôi vẫn ghi được dòng chữ “Chân thành cám ơn luật sư về sự giúp đỡ trong suốt thời gian qua và không thắc mắc, khiếu nại bất cứ điều gì đối với luật sư…”.

Đây là lần thứ hai, khách hàng của tôi lại phải làm đơn xin rút yêu cầu nhờ luật sư. Trong cuộc đời hành nghề của mình, chưa bao giờ tôi ở trong hoàn cảnh đặc biệt như thế này. Câu chuyện bắt đầu khi cách đây gần ba năm, tôi nhận được yêu cầu từ gia đình một bị can bị bắt trong một vụ án hình sự, do cơ quan điều tra một quận ngoại thành thụ lý.

Khi làm thủ tục tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra, chờ đợi hơn hai tuần, tôi được điều tra viên mời đến, thông báo bị can từ chối không yêu cầu luật sư, vì đã nhận thức được sai phạm của mình. Vụ án vì thế được kết thúc điều tra mà không có sự tham gia của luật sư. Bỗng nhiên mấy ngày sau, người vợ vào thăm chồng trong trại tạm giam, được biết ngay sau khi viết đơn từ chối luật sư, chồng của chị đã xin ban giám thị tờ giấy, chính thức viết đơn tiếp tục yêu cầu nhờ tôi làm luật sư bào chữa.

Cầm giấy chứng nhận người bào chữa do viện kiểm sát quận cấp, tôi vào gặp khách hàng của mình trong trại tạm giam, mới được biết điều tra viên đã vào tận trong trại tạm giam, lập một bản cung ghi ý kiến của bị can từ chối luật sư, ký lùi trước ngày tôi chính thức làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa.

Nằm trong tù, thân chủ của tôi cứ suy nghĩ mãi rằng vì sao điều tra viên lại vận động anh phải từ chối luật sư; vô lý quá, khéo mình lại tự kết tội mình. Vì thế, anh mới quyết định viết đơn gửi qua trại tạm giam và nhắn vợ liên hệ lại với tôi để có thể tiếp tục bào chữa cho anh.

Tôi đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, đọc bản cung ghi ý kiến từ chối luật sư và hiểu được vì sao cơ quan điều tra lại không muốn sự có mặt của tôi trong vụ án này. Từ bản kiến nghị chính thức của luật sư, viện kiểm sát quận quyết định cho anh tại ngoại và trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tôi cùng gia đình ngược xuôi tìm kiếm các chứng cứ chứng minh sự vô ý phạm tội của anh, đồng thời liên hệ với các cơ quan chức năng và hãng tàu để giải tỏa lô hàng đang bị cầm giữ.

Vụ án sau khi kết thúc điều tra bổ sung, mãi hơn một năm sau viện kiểm sát mới chuyển sang tòa án quận. Tôi đã trình lại thủ tục và tòa án đã cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho tôi. Bẵng đi gần nửa năm, mới đây tự nhiên lại thấy xảy ra câu chuyện người vợ khách hàng của tôi đến văn phòng xin rút yêu cầu nhờ luật sư một lần nữa…

Sau khi nhận được tin nhắn của người vợ vào trưa hôm qua, sáng nay trước khi đi làm việc, tôi nhận được điện thoại của anh - một khách hàng đã hai lần từ chối tôi. Sau khi mô tả diễn biến phiên tòa, người ta đã khuyên anh nhận tội để hưởng án treo như thế nào, anh nói với tôi: “Bây giờ không nói thì luật sư cũng hiểu, vì sao người ta muốn tôi từ chối luật sư rồi.

Ở vào hoàn cảnh của tôi, không thể không tính đến điều kiện nào có lợi nhất cho mình”. Vâng, tôi trả lời anh là tôi hiểu, hiểu rất rõ là đằng khác, vì sao khi làm đơn xin rút yêu cầu nhờ luật sư mà vợ của anh lại nước mắt lưng tròng như thế. Chỉ riêng việc anh gọi điện thoại cho tôi để nói rõ thêm sự tình, cảm ơn sự hỗ trợ của luật sư cũng đáng quý lắm rồi. Trong cuộc đời hành nghề của mình, có bao giờ khách hàng hai lần từ chối luật sư mà chan hòa nước mắt và thành tâm trao đổi thật lòng như anh?

Anh còn nói với tôi: “Sao mà đi tới đâu tôi thấy ai cũng ngại luật sư đến như thế? Rõ là càng cản ngại, thì tôi càng thấy quý trọng giá trị nghề nghiệp luật sư của các anh, vì tôi hiểu hơn ai hết vì sao ai đó muốn loại bỏ luật sư…”.

Đúng vào thời điểm câu chuyện của tôi trao đổi với anh đang còn đầy vấn vương, thì mới đây vừa xảy ra chuyện một số cán bộ thuộc viện kiểm sát, tòa án huyện T (tỉnh T.H) bị tố cáo đã đe dọa, nếu nhờ luật sư thì sẽ xử nặng, vì mọi việc do hội đồng xét xử và tòa án quyết định, luật sư không làm được gì cả, từ đó gợi ý “làm tiền” bị cáo.

Hóa ra, ở đâu đó vẫn còn những trường hợp cụ thể mà thông qua đó, người ta hiểu lý do đích thực vì sao người bị tạm giữ, bị can hay bị cáo buộc lòng phải viết đơn từ chối luật sư. Vì thế, khi nghe khách hàng của mình giãi bày xong, tôi bảo với anh: “Thôi, anh đừng bận tâm làm gì, là luật sư thì tôi phải hiểu vì sao anh phải từ chối tôi.

Quan trọng nhất là sau phiên tòa này, làm sao anh biết cách đứng dậy và đi tiếp chặng được còn lại của đời mình sao cho đừng vấp ngã nữa”. Nói đến đây, cổ họng tôi như nghẹn lại, đắng ngắt…

LS Phan Trung Hoài