Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động bị phạt đến 40 triệu đồng

21/01/2022 02:20 | 2 năm trước

(LSVN) - Theo điểm b khoản 3 Điều 19 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng nếu dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó đã thay đổi nhiều mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đáng chú ý tại Nghị định mới này là quy định tăng mức phạt với hành vi dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

Cụ thể, theo điểm b khoản 3 Điều 19 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng nếu phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. Trước đây, theo điểm b khoản 3 Điều 19 Nghị định 28/2020/NĐ-CP mức phạt áp dụng với hành vi này là từ 10 - 15 triệu đồng.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 19 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

- Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín hoặc nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;

- Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không quy định;

- Áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động;

- Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây: nghỉ ốm đau; nghỉ điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; đang bị tạm giữ; đang bị tạm giam; đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật Lao động.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/01/ 2022.

HỒNG HẠNH

Sớm tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi

Từ khoá : lsvn.vn LSVN