/ Đời sống - Xã hội
/ Dựng tượng vua làm biểu tượng công lý: 'Không sử dụng ngân sách nhà nước'

Dựng tượng vua làm biểu tượng công lý: 'Không sử dụng ngân sách nhà nước'

05/01/2021 18:03 |

(LSO) - Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình khẳng định: “Việc xây dựng bức tượng này nếu có trong tương lai, phải trong thời điểm thích hợp, không sử dụng ngân sách nhà nước… Không có chuyện đúc hàng nghìn tượng, tốn hàng nghìn tỷ đồng".

Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định: "Chưa đặt ra việc xây dựng tượng trong mùa Covid này” (Ảnh: Thế Kha).

Chiều 28/4, chủ trì phiên họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông và cố Chánh án TAND Tối cao các thời kỳ, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình khẳng định, việc lựa chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam đã được cơ quan này tiến hành khảo sát, xin ý kiến của các nhà khoa học, nhà sử học, các bộ ngành liên quan suốt 2 năm qua.

TAND Tối cao đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa. Sau khi lấy ý kiến kết quả 75% các chuyên gia, nhà sử học, nhà khoa học lựa chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.

Qua các cơ quan báo chí, TAND Tối cao đã nhận được nhiều ý kiến tham gia, góp ý, trong đó có nhiều ý kiến đồng tình và đánh giá cao hoạt động đầy ý nghĩa này. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến không đồng thuận, phản đối việc dựng tượng này. Tuy vậy, TAND Tối cao khẳng định, việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông là hành động thiết thực, ý nghĩa để tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn cho đất nước, dân tộc của các bậc tiền nhân, đặc biệt, là những công trạng trong lĩnh vực xét xử và tư pháp. Ngoài ra, tượng vua Lý Thái Tông còn góp phần giáo dục tinh thần thượng tôn pháp luật đã tồn tại từ lâu trong lịch sử dân tộc để nhân dân và đội ngũ những người tiến hành tố tụng kế thừa và phát huy.

Ông Bình nhấn mạnh, đây là vị vua anh minh, gần dân, có nhiều công lao trong lịch sử. Trong hoạt động xét xử, ông cũng có nhiều công trạng: Ban hành bộ luật Hình thư - bộ luật đầu tiên của nhà nước Việt Nam; mở ra thời kỳ xét xử theo luật, tuân thủ pháp luật, chứ không phải theo ý vua; là vị vua nghĩ ra chuông đồng đặt trước triều đình để ai có oan khuất thì lên đây kéo chuông giải quyết.

Bản thân vua Lý Thái Tông cũng trực tiếp xét xử rất nhiều vụ án nổi tiếng trong lịch sử với tinh thần hoà hiếu, nhân văn. Đồng thời đào tạo con trai mình trở thành vị quan xét xử nổi tiếng, liêm khiết và công tâm; thậm chí việc xét xử của người con còn nổi tiếng hơn vua cha.

Chưa đặt ra chuyện dựng tượng vào lúc này

Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, hôm nay (28/4) là ngày kết thúc giai đoạn lấy ý kiến về 3 mẫu tượng vua Lý Thái Tông. “Chúng tôi tôn trọng các ý kiến đó. Tất cả những ý kiến đều thiện chí, rất trách nhiệm. Tôi biết dư luận đang rất quan tâm. Chúng tôi hết sức lắng nghe”- ông nói.

Sau khi lắng nghe ý kiến góp ý của các nhà sử học, nhà điêu khắc và cơ quan chuyên môn, Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định: “Không có chuyện đúc hàng nghìn tượng, tốn hàng nghìn tỷ đồng như dư luận lo ngại. Không có chuyện làm tuỳ tiện, không có căn cứ”.

Ông cho rằng đây là việc tôn vinh công trạng của các vị tiền nhân; thông qua việc xây dựng tượng còn gửi gắm vào đó vị thế của dân tộc ta trong lịch sử. Việc chọn tượng hoàng đế Lý Thái Tông đã được làm rất tỷ mỉ, nhất quán, cần thiết để giáo dục các thế hệ và rất có căn cứ khoa học, làm bài bản”.

Đặc biệt, Chánh án TAND Tối cao khẳng định chưa đặt ra việc xây dựng tượng trong dịch Covid-19 này. "Việc xây dựng bức tượng này nếu có trong tương lai, phải trong thời điểm thích hợp, không sử dụng ngân sách nhà nước, mà bằng sự đóng góp của cán bộ ngành toà án - gửi gắm vào đây sự tôn kính đối với vua, có nhiều công trạng trong hoạt động xét xử" - ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Thay cụm từ "biểu tượng công lý, xét xử"

Đáng chú ý, tại cuộc họp này, toàn bộ tài liệu của TAND Tối cao và ý kiến của các nhà sử học, nhà điều khắc đều không dùng cụm từ "biểu tượng công lý, xét xử" như văn bản trước đó gửi xin ý kiến góp ý của TAND các địa phương. Thay vào đó là cụm từ "nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam".

Lý giải việc này, một lãnh đạo TAND Tối cao cho rằng có thể bộ phận soạn thảo văn bản đã sử dụng từ ngữ không chuẩn xác. Chính xác phải là lựa chọn, xây dựng tượng vua Lý Thái Tông - nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.

LSO (t/h)

/cuu-chu-tich-oceanbank-ha-van-tham-tiep-tuc-bi-tuyen-10-nam-tu-o-vu-an-thu-ba.html