/ Bút ký Luật sư
/ Đường lên Pirin

Đường lên Pirin

05/01/2021 17:49 |

LSVNO - Vườn quốc gia Pirin nằm trong dãy núi Pirin ở Tây Nam Bulgaria, với diện tích 403,56 km2. Đây là một trong ba công viên quốc gia của Bulgaria được thành lập vào năm 1962 và được UNESCO công nh...

LSVNO - Vườn quốc gia Pirin nằm trong dãy núi Pirin ở Tây Nam Bulgaria, với diện tích 403,56 km2. Đây là một trong ba công viên quốc gia của Bulgaria được thành lập vào năm 1962 và được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới năm 1983.

Độ cao trung bình từ 950 m tới 2.914 m tại Vihren, đỉnh cao thứ hai của Bungari và đứng thứ ba ở Balkans. Pirin nổi tiếng với 118 hồ băng, ngoài ra còn có một vài sông băng nhỏ, nằm trong rặng núi Golemiya Kazan ở chân núi phía bắc của Vihren. Rừng chiếm 57,3% diện tích Vườn và gần 95% là rừng lá kim. Cây lâu đời nhất của Bulgaria là cây thông Baikushev trong công viên với tuổi đời hơn 1.300 năm, bằng tuổi của Nhà nước Bungari (năm 681 sau Công nguyên). Động vật của Vườn Quốc gia Pirin rất đa dạng và bao gồm 45 loài động vật có vú, 159 loài chim, 11 loài bò sát, 8 loài lưỡng cư và 6 loài cá.

Ra khỏi Sofia, đi theo đường cao tốc xuyên Âu (E19), hướng phía Nam, đường sang Hy Lạp, dọc hai bên đường là đồi núi chập trùng. Những bụi hoa trắng, hoa vàng, hoa tím và hoa anh túc đỏ tươi lẫn trong những đám cỏ dại. Thi thoảng mới thấy cánh đồng lúa mì đang ngả sang màu vàng chuẩn bị mùa thu hoạch. Một con sông chạy dọc theo đường quốc lộ, bên bờ sông là hàng thùy dương thẳng tắp. Xa xa là những vạt rừng. Làng mạc ở rải rác trong thung lũng, những ngôi nhà mái ngói đỏ nằm bên sườn đồi.

Pirin hùng vĩ. Ảnh: Quốc Bảo

Đến thị trấn Ximitly, rời quốc lộ, rẽ trái vào đường 19 đi Bansko là rừng xanh bát ngát. Qua khỏi rừng, thảo nguyên mênh mông, bằng phẳng, trải dài tít tắp dưới chân núi Pirin hùng vĩ. Giữa tháng sáu mà đỉnh núi vẫn còn tuyết phủ trắng. Trời trong xanh, nắng đẹp và gió lộng. Một đàn cừu lúc nhúc, có tới vài trăm con đang mải mê gặm cỏ. Tiếng nhạc cừu kêu leng keng hòa với tiếng gió đồng nội rì rào, nghe như một bản nhạc đồng quê dân dã.

Hai người đàn ông và 4 chú chó to, lông đen, đốm trắng cần mẫn chăm sóc đàn cừu, lúc chạy ngược, lúc chạy xuôi dồn đuổi cừu để chúng khỏi đi ăn tản mát xa đàn. Thấy khách lạ, 4 chú chó phóng đến, vừa chạy vừa sủa ầm ĩ, lúc tiến lúc lùi, nhảy chồm chồm, sẵn sàng tấn công bất cứ ai. Một người đàn ông mặt xạm nắng, đeo cái túi da màu nâu bóng vắt chéo qua vai, tay cầm gậy, mắng đuổi chó và tiến về phía chúng tôi. Anh niềm nở chào hỏi và tự giới thiệu tên là Ivan Visanov Mihov, người ở thị trấn Razlog. Sau vài câu thăm hỏi xã giao, theo đề nghị của tôi, anh dồn cừu gọn lại để chụp ảnh. Tạm biệt người chăn cừu, đi chừng hai ba cây số rồi rẽ vào thị trấn Bansko. Hai anh em nhà Juparov thân tình, cởi mở, đón chúng tôi ở ngay lối vào thị trấn rồi đưa lên núi. Thị trấn không lớn lắm, nhà ở thưa thoáng, xen lẫn các khách sạn mái ngói đỏ tươi, không đồ sộ nhưng đẹp.

Ngồi trong xe, anh bạn Pavel đẹp trai, nhanh nhẹn, hồ hởi kể về chuyến đi thăm Việt Nam vào tháng 8 năm ngoái. Chuyến đi đã để lại trong anh nhiều ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam. Anh chân tình nói với cả tấm lòng, anh rất yêu quý Việt Nam, mua cả cờ Việt Nam mang về treo ở nhà. Anh thổ lộ điều mà anh ấp ủ bấy lâu nay là mong muốn cưới một cô vợ Việt Nam. Anh hứng thú khoe một số đồ lưu niệm và hũ rượu rắn mà anh kỳ công mang từ Hà Nội về trưng bày ở cửa hàng để khách đến chiêm ngưỡng và thưởng thức.

Đường lên núi ngoằn ngoèo, dốc cheo leo, thỉnh thoảng lại gặp cua tay áo bên bờ vực thẳm. Đi qua rừng tùng bách đại ngàn, cây nào cũng to cao, thẳng tắp. Cành cây đâm ngang, tán lá ken dầy, đan vào nhau rậm rì, che rợp ánh nắng mặt trời. Xe dừng ở bên đường, anh em nhà Juparov xăng xái dẫn chúng tôi lên thăm cây thông đại thụ, mọc sừng sững bên sườn núi chênh vênh. Một cầu thang làm bằng gỗ chắc chắn, ốp sát gốc cây, khách tham quan có thể đứng đây chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm. Cây thông hơn 1.300 năm tuổi, cao 27m, chu vi gốc cây 7,8m.

Tuyết tràn từ trên sườn núi xuống, dồn thành đống, kết thành tảng băng to nằm ở bên đường như một bức tường. Chúng tôi dừng chân ở thung lũng Gió Hú (Vikhren) cao 1.950 m. Điểm cuối cùng của con đường nhựa dẫn lên núi, cách Bansko 14 km. Thung lũng nằm giữa 3 ngọn núi đá cao vòi vọi, trông như ba kim tự tháp khổng lồ: Vikhren 2.914m, Khvoinati  2.635m và Todorin 2.746m. Về mùa đông, đây là nơi tổ chức festival trượt tuyết quốc tế rất lý tưởng. 

Bắt nguồn từ hồ Ribno trên dãy núi Banderishki Sirkus cao 2.500 m, sông Banderitsa chảy qua các khe núi, qua thung lũng Gió Hú rồi đổ ầm ầm xuống ghềnh đá, tung bọt trắng xóa, tạo thành thác Banderishki trông rất ngoạn mục. Một cái cầu gỗ thông bắc ngang sông. Qua cầu, chúng tôi leo lên dốc thoai thoải, lội qua con suối nhỏ chắn ngang đường, đi qua suối cạn nằm dọc lối đi, đá lổn nhổn. Hai bên bờ suối là những cây họ thông cao, thấp, mọc không ra hàng lối. Những khóm hoa cánh nhỏ lăn tăn, màu vàng ươm, màu hồng nhạt và những bông hoa tuyết tím, mọc rải rác khắp đó đây, lẫn trong các đám cỏ dại.

Đi thêm một đoạn nữa, bỗng xuất hiện một hồ nước trong xanh ở ngay trên núi. Người ta đặt tên trên bản đồ là hồ Nước Mắt, tiếng Bulgaria là Okoto. Có lẽ đây là nước mắt của các nàng tiên trên trời, sau khi xuống hạ giới gặp các chàng trai cõi trần, quyến luyến không muốn rời nhau. Lúc chia tay, các nàng để lại những giọt nước mắt lưu ly, sau đọng lại thành hồ Nước Mắt. Người ta bảo các chàng trai, ai muốn gặp các tiên nữ thì đến đây, lấy nước hồ rửa mặt, mắt sẽ sáng ra, có thể nhìn thấy các nàng tiên đang bơi trong hồ. Hồ không lớn lắm, có độ sâu khoảng 10m. Xung quanh hồ là cả một không gian bao la, ánh nắng chan hòa, tĩnh lặng, đầy thơ mộng.

Ôi Pirin đẹp tuyệt vời!

Trời mây non nước bồi hồi cảnh tiên

 Thông reo gọi gió trăm miền

Bên hồ Nước Mắt nỗi niềm ưu tư.

Quá trưa, xuống núi. Trên đường về chúng tôi rẽ vào thăm gia đình anh em nhà Juparov ở thị trấn Bansko. Bố mẹ anh ta trông thật hiền lành, chất phác, niềm nở đón tiếp chúng tôi ở ngay cổng ra vào. Chỉ ít phút sau, món xa lát sopska truyền thống, thịt cừu nướng, rượu vang đỏ và bánh mì được bày ra bàn ở vườn cỏ trong sân nhà, dưới gốc cây anh đào, quả chín đỏ mọng sai chi chít. Ông chủ Dimitar mang hạt gia vị kimion ra và nói rằng hạt này chỉ ở trên núi Pirin mới có. Hạt kimion nhỏ như hạt cà, màu ghi sẫm, xung quanh hạt có viền hơi trắng. Rang hạt qua lửa, xay nhỏ, rắc vào thịt nướng, có hương thơm như một vị thuốc bắc.

Xế chiều, tạm biệt gia chủ chúng tôi lên đường. Ông bà Dimitar lưu luyến tiễn ra tận cổng. Bà Yanka không quên nhắc chúng tôi nhớ kiếm một cô con dâu Việt Nam cho anh con trai thứ hai của bà.                                

Anh em nhà Juparov dẫn chúng tôi đến thăm nhà thờ cổ Sveta Troitsa xây dựng năm 1835. Trong thời kỳ quân Thổ đô hộ, để nhà thờ khỏi bị giặc tàn phá, người ta đã khắc lên cửa chính của nhà thờ hai mảnh trăng lưỡi liềm ở hai bên cây thánh giá. Trăng lưỡi liềm biểu tượng của đạo Hồi, cây thánh giá biểu tượng của đạo Thiên chúa. Vì có biểu tượng của đạo Hồi, quân Thổ không dám phá nhà thờ nên vẫn giữ được nguyên vẹn cho tới ngày nay. 

Bên cạnh nhà thờ là ngôi nhà cổ hai tầng của dòng họ Alexanda Nevski, xây dựng từ năm 1820. Ngày nay ngôi nhà được dùng làm quán ăn và khách sạn. Trong quán trang trí nhiều đồ vật cổ kỳ quặc. Ngay giữa lối ra vào, treo lơ lửng một dãy 19 cái chuông từ to đến nhỏ. Chuông dành cho đàn ông, người ta không dùng vồ mà dùng trán để gõ. Ai muốn gõ thì đứng thẳng người theo chiều dọc, dùng trán đập mạnh vào cái chuông to nhất ở đầu dãy. Thế là tất cả 19 cái chuông xô vào nhau, ngân vang như một khúc nhạc tình ca, chứng minh cho sức mạnh của những người đàn ông tráng kiện. Anh em nhà Juparov còn muốn dẫn vào thăm làng, nhưng rất tiếc trời đã về chiều, chúng tôi cáo từ ra về, hẹn lần sau gặp lại.

Một ngày bất ngờ đầy thú vị. Bất ngờ vì lên đến núi mới biết đây là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Pirin. Từ năm 1983 đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Thú vị vì được chiêm ngưỡng phong cảnh núi rừng Pirin hùng vĩ, cây thông đại thụ, hồ Nước Mắt trong xanh và đàn cừu trắng trên thảo nguyên mênh mông đầy hương đồng gió nội. Thiên nhiên thật hoang dã và kỳ thú.

LS Phạm Quốc Bảo