Trúng đấu giá nhiều lô đất ở vị trí đắc địa nhưng vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ") chỉ nộp tiền cho chính quyền sau khi đã bán thu lời.
Ngoài bị khởi tố, tạm giam về tội Cố ý gây thương tích, bị can Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ") đang bị Công an tỉnh Thái Bình điều tra tội danh liên quan đấu giá đất. Từ việc điều tra sai phạm của Đường "Nhuệ" và vợ là Nguyễn Thị Dương, hôm 16/4, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố, bắt bốn cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình.
Tại Thái Bình, Đường "Nhuệ" được biết đến là người có nhiều tài sản khi cùng vợ điều hành Công ty bất động sản Đường Dương. Công ty do Dương là giám đốc, hoạt động từ năm 2015 với hình thức kinh doanh đấu giá đất sau đó chuyển nhượng kiếm lời. Khi giao dịch thành công, vợ chồng Đường thường đăng trên mạng xã hội khoe "chiến tích" với hình ảnh hàng chục cuốn sổ đỏ của các lô đất ở vị trí đắc địa.
Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hưng, cho biết vợ chồng Đường tham gia nhiều cuộc đấu giá đất tại địa phương và cũng "hay trúng". Tới các phiên đấu giá, cặp đôi thường dẫn theo hàng chục đàn em để thị uy.
Tháng 1/2019, huyện tổ chức đấu giá 24 lô đất thuộc xã Lô Giang, Công ty Đường Dương trúng 20 lô với giá "không quá cao so với mức sàn". Năm 2018, huyện tổ chức đấu giá khu đất xã Đông Phương với giá khởi điểm 1,5 triệu đồng một mét vuông và Dương trúng 3 lô với "giá cao hơn khởi điểm 10.000 đồng". Nhiều số lô đất sau khi đấu giá xong được công ty Đường Dương chuyển nhượng với giá gấp đôi.
Tại huyện Vũ Thư, cách thành phố Thái Bình gần 10 km, công ty Đường Dương trúng đấu giá hơn 10 lô đất ở trung tâm thị trấn, xã Song An. Ngoài những lô đã sang tên cho người khác kiếm lời, số còn lại vợ chồng Đường "Nhuệ" bỏ không và chưa nộp tiền cho chính quyền.
Chủ tịch UBND xã Song An Lương Văn Đình cho biết địa phương bắt đầu đấu giá từ năm 1991 và đều êm đẹp. Đến năm 2018, vợ chồng Đường "Nhuệ" tham gia, mọi chuyện khác hẳn. Năm đó, xã phối hợp Trung tâm phát triển quỹ đất huyện và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tổ chức đấu giá các lô đất quy hoạch khu dân cư Song An.
"Sau thời gian đăng tải thông tin, ba địa điểm là xã, huyện và trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tiếp nhận được 403 hồ sơ của 109 người. Vợ chồng Đường nộp nhiều hồ sơ song không phải ở địa phương mà tại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp", ông Đình nói.
Vị chủ tịch xã cho biết thêm, sau buổi đấu giá trúng 7/11 lô đất ở vị trí "đắc địa", nhiều thanh niên xăm trổ nghi là đàn em của Đường "Nhuệ" đã gây hấn và tát vợ của một người trúng đấu giá ngay trước cổng UBND xã. Nhiều người trúng đấu giá khác cũng bị đe doạ ngay tại trụ sở và chặn dọc đường. Tuy nhiên hai bên đều tự hoà giải nên chính quyền xã Song An không nắm được nội tình cụ thể.
Trong 7 lô đất trên, công ty Dương Đường chỉ nộp tiền hai lô để làm sổ đỏ và chuyển nhượng luôn "ăn" chênh lệch. Còn lại 5 lô, lãnh đạo xã và huyện nhiều lần gọi điện thuyết phục hoàn thành nghĩa vụ tài chính song Đường Dương bất hợp tác.
"Vợ chồng Đường trả lời chỉ nộp tiền đấu giá các lô đất khi bán được, còn không cứ để đấy", ông Đình nói và cho hay khi đó không có quy định sau bao nhiêu ngày trúng đấu giá phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên "đành chịu". Từ năm 2019, UBND tỉnh Thái Bình mới có quyết định sau 30 ngày trúng đấu giá phải thanh toán nếu không sẽ bị huỷ quyết định trúng đấu giá và 10% tiền đặt cọc bị sung nộp vào ngân sách nhà nước.
Vợ chồng Đường "Nhuệ" còn bị tố cáo thường đe doạ những người đi đấu giá đất để thao túng "một mình một chợ". Một người đàn ông từng tham gia đấu giá đất ở huyện Đông Hưng cho biết, năm 2018 trúng một lô nhưng vừa ra ngoài cửa đã bị Đường "Nhuệ" ép bán lại. Sau khi thoả thuận trong sự đe doạ, ông này nhận tiền chênh lệch 50 triệu đồng so với giá gốc song vừa ra khỏi trụ sở uỷ ban đã bị đám đàn em của Đường "Nhuệ" chặn đường "lột sạch tiền".
Theo người đàn ông này, Đường "Nhuệ" còn tham gia đấu giá đất thuê. Ví dụ, hắn sẽ cầm tiền để đấu giá cho một người và đe doạ buộc những người tham gia khác phải dừng lại. Ai không làm theo sẽ bị đe doạ, hành hung.
Ngày 17/4, ông Phạm Cao Quân, phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình cho biết Công an tỉnh đã làm việc với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và văn phòng Sở Tư pháp. Hiện toàn bộ hồ sơ, sổ sách liên quan đến đấu giá trong những năm gần đây của trung tâm cũng bị niêm phong để phục vụ điều tra.
Ông Quân từ chối nói về sai phạm của cán bộ trong hai đơn vị trực thuộc Sở, chỉ cho hay đang phối hợp cùng cơ quan điều tra làm rõ vụ án.
Ngày 16/4, Công an Thái Bình công bố, "căn cứ kết quả điều tra các hành vi trái pháp luật" của vợ chồng Đường "Nhuệ", nhà chức trách đã khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 1 Điều 356 Bộ luật hình sự 2015".
Cùng ngày, bốn bị can đầu tiên của vụ án bị bắt gồm: Phạm Văn Hiệp (34 tuổi, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình), Vũ Gia Thành (43 tuổi, đấu giá viên Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình), Trịnh Thị Minh Thúy (50 tuổi, Trưởng phòng của Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình) và Hà Văn Dũng (36 tuổi, nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình).
Trước đó, trong vụ án đánh người gây thương tích, 7/4, Dương bị bắt cùng hai đàn em. Đường "Nhuệ" bỏ trốn và sa lưới sau 10 tiếng bị truy nã.
PHẠM DỰ/VNE