LSVNO - Sau ngày nghỉ cuối tuần, lại đến một ngày làm việc mới. Thật không dễ để có thể khởi động trở lại, cho tâm trạng mình lắng đọng, nguôi ngoai những áp lực của ngày cũ, lấy động lực bước tiếp những ngày mới. Vì thế, tôi ít khi hẹn khách ngày đầu tuần, và nếu có hẹn thì bao giờ cũng liên hệ bằng điện thoại trước để tiện bố trí...
Vậy mà vừa bước chân trở lại văn phòng sau khi vào làm việc trong trại tạm giam với một khách hàng cũ, tôi thấy một người phụ nữ đã đứng tuổi, ngồi bất động chờ tôi. Một chút ngạc nhiên vì khách mời không hẹn trước, nhưng thấy nét mặt bà buồn bã, như rơi rụng hết sinh lực tự khi nào, tôi không nỡ trách cứ, kéo ghế ngồi, rồi hỏi thăm bà từ đâu đến? Chưa nói mà hai hàng nước mắt bà đã tuôn ra, giọng nói đứt quãng nửa chừng, lâu lâu lại lấy tay quệt ngang mặt. Tôi bảo với bà, xin cứ bình tĩnh, xem tôi có giúp được gì không? Bàn tay đặt lên ngực, bà bảo em trai bà vừa bị tòa sơ thẩm tuyên mức án cao nhất, loại trừ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội. Cả nhà bàng hoàng đau đớn tột cùng, bấn loạn tìm kiếm luật sư. Bà còn bảo, không phải do ai giới thiệu, bà tự mình tra cứu trên mạng rồi tìm đến, mong luật sư đừng từ chối tiếp chuyện.
Tôi hỏi thăm vợ con người em trai ở đâu mà bà lại đến? Vừa nghe hỏi đến đây, bà khóc nấc lên, mãi mới nói ngắt quãng từng câu, rằng sau ngày em trai bà bị bắt, đứa con trai đầu vì bị sốc nên đã uống thuốc tự tử, may mà cứu sống kịp, nhưng nay bị di chứng tâm thần nặng, phải điều trị ở bệnh viện. Đứa con thứ hai cũng vì chuyện cha bị bắt mà phải bỏ học. Em dâu của bà quay quắt, một bên lo lắng cho chồng đang bị tạm giam, một bên phải gồng mình chữa chạy bệnh tật cho con, lo cho đứa sau không bị cuốn vào vòng hư hỏng... Cứ như mọi tai ương đang giáng xuống gia đình đứa em trai bà, mà nó đâu phải là đứa còn trẻ, ngấp nghé cũng đã gần sáu mươi rồi. Bà bảo em bà là đứa học hành giỏi giang nhất nhà, thời trai trẻ lang bạt kỳ hồ khắp chốn, vật lộn với thương trường chẳng khác gì chiến trường. Nhà đông người, em của bà là út, nên tính tình cũng phóng khoáng, anh chị tham gia kháng chiến và lo việc Nhà nước, cứ để mặc cho nó được làm theo ý thích, chỉ mong sao được an lành mà thôi. Vậy mà bỗng chốc tai họa ập đến, cả gia đình lao đao, không hiểu vì sao người thân lại vướng vào vòng tù tội. Thậm chí, có người chị còn giận dữ kinh khủng, bảo nó bôi xấu mặt gia đình như thế, cứ tự mà lo liệu. Đến khi nghe tin người em bị tuyên án ở mức cao nhất, ai cũng bàng hoàng giật mình, không rõ vì sao ra cơ sự này, rồi bỗng chốc tình máu mủ từ đâu ùa về, dâng lên, như chính cơ thể mình bị chặt ra làm nhiều mảnh, ruột đứt từng khúc vậy...
Càng lắng nghe, tôi càng thấy sao cái nghiệp của mình cứ gắn với những nỗi đau như đang dính chặt và cô đặc từ bên trong từng tế bào như thế? Thôi thì không nói về chuyện án từ, tự nhiên tôi hình dung trong số các thành viên gia đình đang giận lẫy đứa em, chỉ một mình bà lo lắng đi tìm luật sư, cốt tìm một chỗ dựa về tâm lý, rằng còn nước còn tát, không thể bỏ mặc nó trong lúc khốn cùng này. Bà đâu có biết, trong những vụ án như thế này, mọi thứ nằm ngoài khả năng và suy đoán của luật sư. Cả chục luật sư hùng biện tranh cãi, thậm chí quan điểm va đập với bên buộc tội như lửa với nước, án đề nghị kịch khung, mà luật sư cãi không có tội. Chân lý chỉ có một, sự thật khách quan không thể đổi thay, vậy mà luận lý trái ngược nhau với khoảng cách cao dày như thế, thì chắc hẳn là có vấn đề. Mà vấn đề có thể không phải ở sự rút tỉa từ các cuộc tranh luận, mà nằm ở chỗ không ai nhìn thấy, chỉ có thể qua tư duy logic hay cảm nhận từ thực tiễn hành nghề mà thôi.
Đối với những vụ việc như thế này, bao giờ tôi cũng cố gắng lý giải và phân tích để khách hàng hiểu, luật sư thật sự không giúp được gì nhiều. Cái chính là mặc dù khách hàng tin cậy và luật sư tận tâm thực hiện hết mình trách nhiệm nghề nghiệp, nhưng nó cũng chỉ như sự va quệt bên ngoài, không chạm vào được cốt lõi của vấn đề. Có thể khi tiếng nói của luật sư cất lên, giọng sang sảng, lôi cuốn người nghe không chỉ bằng luận lý mà cả sự thuyết phục về thực tế hoàn cảnh nảy sinh nguyên nhân phạm tội. Và cử tọa thật sự ấn tượng, khách hàng vô cùng cảm kích khi luật sư nói về những mảnh đời, thân phận trôi dạt theo dòng đời đang chờ đợi phán quyết của tòa án. Nhưng cứ thử là người đứng trong không gian phiên tòa, lắng nghe từng câu chữ trong bản án khi tuyên thì mới thấy cảm xúc và tâm trạng tự nhiên trôi tuột đi đâu mất, không dám nhìn vào mắt thân chủ, chỉ sợ lấy đi nốt niềm hy vọng cuối cùng của họ.
Mọi thứ vẫn ở phía trước, mặc dù trong lòng thật sự không muốn nhận vụ việc này vì quá khó, nhưng tôi biết sau buổi gặp hôm nay, rồi mình cũng sẽ lại đắm chìm trong câu chuyện đau khổ này thôi. Khi tiễn bà ra cửa, thấy vai bà cứ rung lên, không biết bà còn đủ sức để từ thành phố trở về vùng quê cách xa hàng trăm cây số hay không...
LS Phan Trung Hoài