'Duyên' của Tạp chí Luật sư Việt Nam với các vị lãnh đạo và những khách đặc biệt

23/03/2024 23:36 | 1 tháng trước

(LSVN) - Xuân này, Tạp chí Luật sư Việt Nam kỷ niệm 10 năm ngày phát hành số đầu tiên. So với truyền thống của làng báo Việt Nam, trong đó có nhiều tờ báo, tạp chí, tiếng tăm lừng lẫy vốn đã ra đời từ nhiều thập kỷ, thiết tưởng cũng chả có mấy chuyện để bàn. Vậy nhưng khi điểm lại về hoạt động vẫn thấy có không ít điều thú vị. Đó là câu chuyện dài về quá trình tạo lập nên cơ quan ngôn luận đầu tiên của giới Luật sư Việt Nam với sự quan tâm, chỉ đạo, đồng hành của nhiều tổ chức, cá nhân, ở đây chỉ xin kể đến một vài kỷ niệm mà Tạp chí đã có được liên quan đến các vị lãnh đạo cấp cao và một số vị khách, bạn đọc, xin tạm gọi là “đặc biệt” trong thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vui vẻ chụp ảnh cùng ấn phẩm Tạp chí Luật sư Việt Nam tại Hội báo toàn quốc 2018.

Trước hết, phải nhắc đến lá thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi Tạp chí Luật sư Việt Nam vào tháng 3/2014. Hẳn mọi người đều biết, khi còn tại chức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, ông luôn quan tâm đến công tác xây dựng và thực thi pháp luật, đặc biệt là đối với hoạt động của giới Luật sư. Bởi vậy sau khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam thành lập chưa lâu, trụ sở đang thuê ở số nhà 38 phố Hoàng Ngọc Phách (Hà Nội) còn rất khiêm tốn, nhỏ hẹp, ông đã dành thời gian đến thăm, làm việc với Liên đoàn. Rồi vào đầu tháng 8/2014 hay Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II (tháng 4/2015), với cương vị Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, ông đều dành thời gian làm việc với Liên đoàn và có các bài phát biểu chỉ đạo tâm huyết. Thấy được điều đó và do biết Luật sư Lê Thúc Anh thời điểm ấy là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, người rất sốt sắng cho ra đời Tạp chí Luật sư Việt Nam - có quan hệ khá thân thiết với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nên trong lúc chuẩn bị cho số tạp chí đầu tiên, tôi liền mạnh dạn đề xuất để Chủ tịch nước có thư gửi Tạp chí nhân sự kiện này. Sau khi nghe tôi nêu ý tưởng, Luật sư Lê Thúc Anh tươi cười, nói: “Được! Để tớ điện thoại xem ý anh Tư thế nào”. Chưa đầy “một nốt nhạc”, Luật sư Lê Thúc Anh phấn khởi quay sang bảo tôi: “Anh Tư đồng ý. Nhưng bây giờ cậu phải về chuẩn bị dự thảo ngay nội dung thư, để gửi sang Phủ Chủ tịch. À, mà viết ngắn gọi, súc tích, đúng nội dung thôi nhé”. Tôi liền liến thoắng: “Bác cứ yên tâm. Dù gì trước đây cháu cũng đã có chút ít kinh nghiệm về việc này. Cháu sẽ dự thảo để bác xem và duyệt trước”. Sau đó không lâu, chúng tôi nhận được lá thư có chữ ký của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Toàn văn nội dung lá thư này được đăng trang trọng trên trang nhất Tạp chí Luật sư Việt Nam số 1 và đã được TS.LS Đỗ Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam - trân trọng đọc tại Lễ ra mắt số đầu tiên Tạp chí Luật sư Việt Nam, ngày 25/3/2014.

Sắp đến ngày tổ chức Lễ ra mắt, nhân cuộc trò chuyện cùng một người anh, nguyên là Giám đốc một nhà xuất bản lớn ở Thủ đô, sau khi biết về việc này, anh bất ngờ hỏi: “Thế chú có mời nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười dự không?” Tôi thật thà trả lời: “Được bác nguyên Tổng Bí thư quan tâm thì quá tuyệt. Nhưng làm sao dám mời bác. Mà em nghe nói, lúc này sức khỏe của bác cũng không tốt lắm”. Anh nghiêm túc bảo: “Đúng là bác cũng không được khỏe. Nhưng Tạp chí Luật sư bằng thật, tiếng nói của giới Luật sư là quan trọng lắm. Anh nghĩ, bác cũng quan tâm lắm đấy. Chú cứ gửi giấy mời để anh chuyển đến Văn phòng của bác. Đó cũng thể hiện sự trân trọng đến bác, lẽ nào không được?”. Thấy anh nhiệt tình nên tôi cũng trân trọng gửi giấy mời, nhưng quả vẫn không dám nghĩ sẽ nhận được phản hồi. Thật không ngờ, sáng ngày 25/3/2014, trong khi chúng tôi vẫn đang tất bật để đón những vị khách đầu tiên thì nhận được một lẵng hoa tươi khá lớn treo tấm bằng đỏ “Văn phòng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười chúc mừng”. Lẵng hoa đó, tôi đã cho đặt ở vị trí trang trọng tại hội trường và sau đó có tranh thủ chụp ảnh để lưu lại làm kỷ niệm.

Sau Lễ ra mắt Tạp chí gần một tuần, theo chỉ đạo của Luật sư Lê Thúc Anh, sáng 31/3/2014, tôi ôm theo mấy chục cuốn tạp chí tháp tùng Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam dự buổi họp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng. Tại đây, trước khi cuộc họp diễn ra, tôi đã trực tiếp tặng số tạp chí đầu tiên của giới Luật sư đến các vị lãnh đạo và các đại biểu. Chuyện khá vui là, khi được đứng bên các vị lãnh đạo, Luật sư Lê Thúc Anh xòe tay chỉ sang tôi: “Giới thiệu với đồng chí Chủ tịch nước và đồng chí Phó Thủ tướng, đây là Luật sư Liêu Chí Trung, Phó Tổng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam”. Nghe vậy, anh Nguyễn Xuân Phúc (khi ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương (sau này là Thủ tướng Chính phủ, rồi Chủ tịch nước), vỗ tay lên vai tôi, cười vui vẻ: “Cậu Trung này là em tôi mà. Cậu ấy viết báo, làm thơ và còn có cả cuốn sách về hùng biện nữa đấy”. Buổi đó khiến tôi rất nhớ, còn bởi tại đây tôi đã tranh thủ chụp được tấm ảnh Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Xuân Phúc chăm chú đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam lúc cuộc họp sắp khai mạc. Giờ giải lao, chúng tôi ra hành lang uống nước, lúc ngang qua chỗ tôi, anh Phúc bảo: “Chú có name card đấy chứ? Phải đưa cho anh một chiếc để còn liên lạc”. Tôi đáp: “Em vẫn lưu số điện thoại của anh từ hồi ở miền Trung và cả số Viettel mới đây nữa mà. Anh bây giờ bận bao nhiêu việc, để có gì em sẽ chủ động điện thoại tới anh”. Nói vậy, nhưng tôi vẫn mở ví đưa cho anh một tấm name card. Buổi họp kết thúc, khi ngồi trên xe trở về, Luật sư Lê Thúc Anh còn nói trêu: “Cậu quen biết anh Phúc, mà sao không thấy nói gì?”. Tôi chỉ biết chống chế: “Vâng, cháu và anh ấy biết nhau cả chục năm rồi, nhưng bây giờ điều kiện công tác khác, mình có liên quan gì đâu”. Nghe xong, Luật sư Lê Thúc Anh kể: “Vừa rồi, tớ làm việc với các anh ở Chính phủ, khi đề cập đến hoạt động của Liên đoàn, anh Phúc rất quan tâm và ủng hộ”. Cũng vì những chuyện này nên sau đó, Luật sư Lê Thúc Anh cũng yên tâm khi tôi đề xuất để Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Xuân Phúc có thư chúc mừng gửi Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhân dịp Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ II. Tạp chí Luật sư Việt Nam đã đăng trang trọng lá thư này trên số đặc biệt chào mừng Đại hội (tháng 4/2015).

Cuối năm 2016, sau khi “tử tù” Hàn Đức Long (vụ án oan sai ở Bắc Giang) được tha khoảng 20 ngày, tôi tham gia cùng nhóm các Luật sư thuộc Trung tâm Tư vấn pháp luật - Liên đoàn Luật sư Việt Nam và vợ chồng ông Hàn Đức Long đến nhà riêng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Xin nói luôn là, để vụ án này được làm rõ và ông Long được tha, rồi được minh oan, bồi thường, đã có sự tham gia tích cực, hiệu quả của các Luật sư cùng người thân của ông và nhiều tổ chức, cá nhân. Nhưng, một trong những nhân tố mang tính quyết định là đã có sự tham gia giúp đỡ của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Liên đoàn Luật sư Việt Nam (trực tiếp là Trung tâm Tư vấn pháp luật - Liên đoàn Luật sư Việt Nam). Ở đó, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người đã đích thân viết một lá thư tay gửi tới Chủ tịch nước đề nghị quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét giải quyết đối với vụ việc. Do đó, sau hơn 11 năm bị tù oan, khi được tha, vợ chồng ông Long đã mong được gặp các “ân nhân” của mình. Tại cuộc gặp gỡ này, vì vốn đã có kỷ niệm với ông từ gần 20 năm trước và mong giới thiệu về Tạp chí Luật sư Việt Nam, nên tôi đã sắp sẵn cuốn sách “Nhà báo nói thật” và mấy cuốn tạp chí để tặng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Sau cuộc viếng thăm này, tôi đã viết bài “Một giờ với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu” để đăng trên Tạp chí Luật sư Việt Nam số Xuân năm đó.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Tạp chí Luật sư Việt Nam năm 2018.

Năm 2018, Hội báo toàn quốc thường niên do Hội Nhà báo tổ chức diễn ra ở Trụ sở mới của Hội trên đường Dương Đình Nghệ (Hà Nội). Cũng như trước đó, Tạp chí Luật sư Việt Nam, dù còn khó khăn, hạn chế, nhưng vì mong sớm hòa nhập vào làng báo nên vẫn nhiệt tình tham dự. Tất nhiên, với tư cách Phó Tổng biên tập thường trực, nên tôi luôn trực tiếp tham gia từ đầu đến cuối sự kiện. Nhưng vì bận việc nên sau Lễ khai mạc, tôi vội trở về cơ quan. Giữa đường, tôi được anh em điện thoại cho biết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sắp ghé thăm gian trưng bày của Tạp chí Luật sư Việt Nam. Nghe vậy, tôi chỉ kịp nhắn lại: “Giờ anh không đến được. Anh chị em chuẩn bị và đón tiếp Chủ tịch chu đáo nhé”. Sau đó, tôi được mọi người kể lại chi tiết về việc này. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội cùng một số vị lãnh đạo đã dừng chân khá lâu ở gian trưng bày của Tạp chí Luật sư Việt Nam, không chỉ dành thời gian tham quan, trò chuyện với các cán bộ phóng viên, mà còn giở xem tạp chí. Phát hiện trên bìa một cuốn Tạp chí Luật sư Việt Nam đăng ảnh bà tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội, bà đã rất bất ngờ, rồi vui vẻ cầm trên tay cuốn tạp chí này để chụp ảnh lưu niệm. Sau đó, Tạp chí Luật sư Việt Nam còn được đón Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành đến tham quan, trò chuyện.

 Thật thú vị là ở Hội báo toàn quốc năm ấy, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã được Ban Tổ chức trao một giải khuyến khích.

Cũng trong năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam ở tòa nhà CT13B KĐT Nam Thăng Long (Hà Nội). Buổi chiều trước hôm Chủ tịch nước đến, tôi gặp TS.LS Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) ở hành lang tòa nhà, anh bảo: “Sáng mai, Chủ tịch nước đến, theo kế hoạch sẽ ghé thăm phòng làm việc của Trung đấy”. Thực ra, do phòng làm việc của tôi (cũng là nơi điều hành của lãnh đạo Tạp chí, cùng ở tầng 2 tòa nhà làm việc của Liên đoàn) vốn khá đơn sơ nên có phần e ngại và quả tôi đã nghĩ “Chắc gì Chủ tịch nước đã đến phòng làm việc của mình”. Nhưng Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cho biết vậy nên tôi cũng cho sắp xếp lại các tập tài liệu, nhắc bộ phận trị sự chuẩn bị một lọ hoa tươi và lựa riêng mấy cuốn tạp chí. Sáng đó, tôi đến cơ quan sớm hơn thường ngày một chút và ở phòng tranh thủ xử lý công việc. Sắp đến lúc phải sang hội trường dự buổi làm việc thì có tiếng gõ cửa, rồi một cậu phóng viên hấp tấp thông tin: “Anh ơi, Chủ tịch nước đến”. Liền sau đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các Luật sư trong ban lãnh đạo Liên đoàn đã sải bước tiến vào phòng. Sau khi được Chủ tịch Liên đoàn giới thiệu, Chủ tịch nước ôn tồn bắt tay, hỏi chuyện. Tôi cầm luôn mấy cuốn Tạp chí Luật sư Việt Nam đã được chuẩn bị, tặng ông, đồng thời ngắn gọn giới thiệu và nêu một số vấn đề về thực trạng, mong muốn của Tạp chí cũng như giới Luật sư. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cười rất tươi, nói lời khen ngợi, động viên và chúc mừng Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có một tạp chí được xuất bản đẹp, chất lượng. Nhận ra bìa một cuốn tạp chí có in ảnh ông cùng Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Nga Putin và các vị nguyên thủ khác trong dịp Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra ở Việt Nam, ông mỉm cười: “Tấm ảnh này đẹp và ý nghĩa lắm đấy”. Kết thúc các câu chuyện thú vị, Chủ tịch nước nêu ý kiến: “Tạp chí của Luật sư mới ra đời mà hay, nội dung thế này là sắc sảo. Anh chị em cố gắng để phát triển tạp chí ngày càng đẹp, chất lượng, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của giới Luật sư với xã hội”. Rồi ông chuyển lại mấy cuốn tạp chí cho người thư ký và bảo: “Chú sẽ đọc các cuốn tạp chí này”.

Không chỉ nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và ưu ái từ nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Tạp chí Luật sư Việt Nam còn được giới thiệu, quảng bá, phát hành ở nhiều nơi, trong đó có những “khách hàng” khá đặc biệt. Còn nhớ, khi Tạp chí Luật sư Việt Nam sắp in số đầu tiên, cùng với việc xây dựng kế hoạch phát hành, theo chỉ đạo của lãnh đạo Liên đoàn, chúng tôi đã lên danh sách và tiến hành gửi biếu tạp chí đến các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số bộ, ngành, tổ chức liên quan và lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư của 63 tỉnh, thành. Việc gửi tạp chí biếu này diễn ra liên tục khoảng 02 năm. Như vậy, có thể nói, từ năm 2014, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã hiện diện ở hầu khắp các nơi trên cả nước. Đồng thời, với định hướng sớm tạo sự lan tỏa của tạp chí, cũng như phải tích cực góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Luật sư và nghề Luật sư với cộng đồng nên dường như mỗi khi có cơ hội là chúng tôi đều tìm cách “khoe” về tạp chí. Không vậy mà, tại hầu hết các buổi làm việc của lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam với các đoàn khách nước ngoài hay trong các sự kiện quan trọng liên quan đến hoạt động của giới Luật sư, Tạp chí Luật sư Việt Nam đều chủ động đề xuất để được tham gia tuyên truyền và dùng tạp chí như một sản phẩm đặc thù để làm quà tặng.

TS.LS Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Luật Việt Nam (hiện là Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) chụp ảnh cùng cán bộ, nhân viên Tạp chí Luật sư Việt Nam tại buổi Lễ ra mắt và phát hành số đầu tiên Tạp chí Luật sư Việt Nam.

Năm 2016, khi tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm TS.LS Phan Văn Trường nhân 71 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam ở Đông Ngạc (Hà Nội), do Tạp chí tổ chức, chúng tôi đã dành 10 cuốn tạp chí số 2 (số có bài viết về TS.LS Phan Văn Trường) để làm quà tặng lưu tại nhà thờ họ Phan. Dịp khác, khi đang công tác ở TP. Hồ Chí Minh, được biết Nhà tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ mới khánh thành trước đó chưa lâu, tôi đề nghị anh em đưa về thăm Nhà tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ở Long An. Lúc đó, đang chuẩn bị ra số tạp chí nhân Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10), tôi đã yêu cầu chụp ảnh Khu tưởng niệm để kịp làm ảnh bìa của số tạp chí đặc biệt phát hành vào dịp đó. Cũng tại đây, chúng tôi đã đi tham quan, tìm hiểu về Thư viện Nguyễn Hữu Thọ (đặt trong quần thể Khu tưởng niệm) và quyết định tặng mỗi tháng 1 số Tạp chí Luật sư Việt Nam. Việc đó được duy trì khoảng hơn 02 năm. Xác định tạp chí in chuyển sang tạp chí khoa học và thấy việc quảng bá đến các địa chỉ cũ “tạm ổn”, năm 2016, tôi đã cho dừng phần lớn các số tạp chí tặng biếu đến nhiều địa chỉ cũ, dành để chuyển sang các cơ sở đào tạo nghề luật trong cả nước. Rồi, trong năm 2019, khi có đoàn công tác từ đất liền ra quần đảo Trường Sa, chúng tôi cũng không quên gửi mấy chục cuốn Tạp chí Luật sư Việt Nam thông qua một Luật sư trong đoàn để làm quà gửi đến các chiến sĩ đang bảo vệ vùng đất thiêng liêng giữa trùng khơi của Tổ quốc. Đối với các vị khách và bạn đọc người nước ngoài? Tôi nhớ, nhân Lễ kỷ niệm 01 năm Tạp chí Luật sư Việt Nam phát hành số đầu tiên diễn ra ở trụ sở Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đã có nhiều ý kiến nhận xét, góp ý cho Tạp chí. Trong đó, vị đại diện của JICA là một Luật sư đã thẳng thắn phát biểu: “Tạp chí Luật sư Việt Nam có nội dung phong phú và được in đẹp nhất trong số các tạp chí pháp luật ở Việt Nam mà tôi biết”. Cũng tại buổi lễ này, các chuyên gia người Nhật đã đề nghị đòi trả tiền mua Tạp chí Luật sư Việt Nam, mà không muốn được tặng. Trong lần tham gia cùng đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam sang Nhật nghiên cứu, học tập đầu năm 2018, cá nhân tôi cũng mang theo một số cuốn Tạp chí Luật sư Việt Nam. Tại đây, khi có dịp giao lưu, trao đổi với các Luật sư nước bạn, tôi đều tranh thủ giới thiệu và tặng lại tạp chí để làm kỷ niệm. Thế rồi, trong buổi trao đổi về công tác truyền thông cùng các Luật sư ở Fukuoka, các Luật sư nước bạn (Liên đoàn Luật sư Nhật Bản có chiến lược truyền thông rất bài bản và có những bộ phận chuyên nghiên cứu, thực hiện về truyền thông Luật sư), tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi cầm trên tay các cuốn Tạp chí Luật sư Việt Nam. Để rồi, đến gần đây, tôi vẫn nhận được một số thư, bản tin được in chữ Nhật, có địa chỉ gửi đến từ xứ sở hoa anh đào.

Chủ động tuyên truyền, quảng bá thì đã rõ, nhưng một tạp chí non trẻ lại được đón tiếp, là địa chỉ tin cậy của nhiều vị “khách”, bạn đọc khác nhau ở khắp nơi lại là chuyện khác. Một hôm, đang ngồi ở phòng làm việc, tôi thấy một cô gái trẻ xinh đẹp gõ cửa. Hỏi ra mới biết, cô đến từ Tòa án (ở Trung ương), muốn mua mấy chục cuốn Tạp chí Luật sư Việt Nam đã phát hành trước đó. Thấy vậy, tôi dè dặt tìm hiểu thì được biết, vì Tạp chí có bài viết hay nên cô được lãnh đạo Tòa án phân công đến mua để phát cho các cán bộ tham khảo. Lần khác, khi vừa công tác về đến cơ quan thì được anh bảo vệ cho biết có người đã chờ từ rất lâu. Qua câu chuyện sau đó, người đàn ông ngoài 70 tuổi lần đầu tôi tiếp xúc, kể: ông đi máy bay kèm theo khoảng hơn 1 kilogam hồ sơ, từ TP. Hồ Chí Minh ra từ chiều hôm trước chỉ với mong muốn Tạp chí Luật sư Việt Nam vào cuộc giúp đỡ đòi lại quyền sở hữu của lô đất có diện tích hơn 1.000m2. Lại một buổi chiều, khi đã hết giờ hành chính, những người còn làm việc ở tòa nhà đều ngỡ ngàng vì một người phụ nữ đã đứng tuổi cứ ngồi lỳ trước cửa ra vào của cơ quan kèm theo những câu nói đầy bức xúc. Khi được mời vào phòng, bà trình bày: bà quê ở Nghệ An, nhưng nay đang sống ở TP. Hồ Chí Minh. Vụ việc của bà đã diễn ra nhiều năm và sau khi đã “gõ cửa” rất nhiều nơi nhưng không hiệu quả nên bà được người thân hướng dẫn đến, vì “chỉ Tạp chí Luật sư Việt Nam lúc này mới có thể giúp tôi giải nỗi oan ức lâu nay, đồng thời giúp tôi giành lại tài sản đang bị người chồng cũ chiếm giữ”. Hiểu được vấn đề, tôi lựa lời khuyên giải và hướng dẫn để bà phấn khởi ra về. Thế rồi, đầu giờ làm việc một buổi chiều, chúng tôi bất ngờ khi chứng kiến gần mười người thuộc các lứa tuổi khác nhau mang theo hai bao tải to, đứng ngồi lố nhố trước phòng làm việc. Sau một hồi lắng nghe, tôi nắm được nguồn cơn, té ra là bà con đến từ tỉnh Thái Nguyên, họ đã bức xúc từ lâu vì một dự án “khủng” làm xáo trộn cuộc sống và gây bệnh tật cho hàng chục hộ gia đình. Hai chiếc bao tải kia chính là đơn thư, tài liệu cùng hàng chục cuốn sổ bảo hiểm y tế mà bà con tập hợp từ Thái Nguyên dùng để làm bằng chứng cung cấp cho “các Nhà báo và Luật sư”. Cùng với các trường hợp trực tiếp tòa soạn, Tạp chí còn nhận được hàng chục vụ việc do bạn đọc chuyển đến bằng nhiều hình thức với nội dung, tính chất khác nhau, nhưng đều mang một điểm chung là muốn Tạp chí Luật sư Việt Nam trực tiếp hỗ trợ, giải quyết. Tất nhiên, trong đó có những việc Tạp chí chủ động thực hiện, nhưng cũng có vụ việc phải nhờ đến sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức khác.

10 năm qua, Tạp chí Luật sư Việt Nam cũng là địa chỉ quen thuộc của nhiều vị lãnh đạo, các chuyên gia, Nhà báo, Luật sư uy tín đã đến thăm, tham gia cộng tác, đồng hành. Tại một hội nghị diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, khi phát biểu trước cả trăm quan khách, TS.LS Phan Đăng Thanh phấn khởi “khoe” “Nhờ cộng tác với Tạp chí Luật sư Việt Nam mà mới đây tôi đã in được một cuốn sách”; còn TS Dương Văn Hậu (nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và pháp luật), bộc bạch “Bài mình viết rất tâm huyết, nhưng có lẽ chỉ đăng ở Tạp chí Luật sư Việt Nam mới phù hợp và hiệu quả”. Thậm chí, là một tạp chí về nghề luật, nhưng nơi đây còn từng có thời điểm đón các nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng, như nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa, nhạc sĩ Đoàn Bổng… đến làm việc. Đó là khi Tạp chí tổ chức Cuộc thi sáng tác bài hát, thơ và văn xuôi về Luật sư và nghề Luật sư Việt Nam - năm 2015 và họ đã được mời tham gia vào các Ban giám khảo của Cuộc thi.

Với một bài viết, thật khó có thể kể hết những kỷ niệm mà Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có được với các vị lãnh đạo, rồi sự đồng hành, tin cậy mà các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, bạn đọc dành cho đơn vị trong thời gian qua. Trên đây chỉ là một vài ký ức của người trong cuộc, xin được điểm lại nhằm góp thêm vào cuộc hạnh ngộ trong những ngày đầu xuân mới này, nhân kỷ niệm 10 năm Tạp chí Luật sư Việt Nam phát hành số đầu tiên.

(*) Tác giả nguyên là Phó Trưởng ban Biên tập, Trưởng Cơ quan đại diện Báo Đối ngoại Vietnam Economic News tại miền Trung; Phó Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và thương mại; nguyên Báo cáo viên Ban Tuyên giáo Trung ương.

TS.LS LIÊU CHÍ TRUNG (*)

Phó Tổng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam

Vượt qua thử thách và khẳng định bản sắc