Biểu tượng Microsoft tại tòa nhà văn phòng ở Chevy Chase, Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN.
Cáo buộc trên được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu (EC) hồi năm ngoái tiến hành cuộc điều tra các sản phẩm Office và Teams của Microsoft sau khi nhận được khiếu nại vào năm 2020 từ ứng dụng nhắn tin văn phòng Slack thuộc sở hữu của công ty phần mềm Salesforce (Mỹ). Slack đã khiếu nại sau khi thị phần của ứng dụng này bị thu hẹp đáng kể, cho rằng Microsoft đã lợi dụng vị thế thống trị của ứng dụng Teams, gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh.
EC đã thông báo cho Microsoft kết quả đánh giá sơ bộ, trong đó đề cập đến việc tập đoàn vi phạm quy định chống độc quyền của EU khi đưa ứng dụng Teams vào bộ ứng dụng đám mây Office 365 và Microsoft 365 vốn bao gồm những công cụ văn phòng phổ biến như Word, Excel và Powerpoint.
Ngay cả trước khi đối mặt với cáo buộc trên, Microsoft đã nỗ lực xoa dịu quan ngại của EU khi hồi tháng 10/2023 đã tách Teams ra khỏi hai bộ sản phẩm trên ở châu Âu. Sau đó, đến tháng 4 vừa qua, Microsoft đã áp dụng chính sách tách ứng dụng như vậy trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, EC cho rằng những biện pháp như vậy là chưa đủ mạnh để khẳng định tập đoàn tuân thủ các quy định cạnh tranh trên thị trường.
Chủ tịch hãng Microsoft - ông Brad Smith khẳng định sẵn sàng thực hiện các biện pháp tiếp theo để xử lý những quan ngại của EC.
EU không đặt ra thời hạn cụ thể để kết thúc cuộc điều tra chính thức nói trên. Nếu kết quả điều tra cho thấy Microsoft có vi phạm thì tập đoàn này sẽ phải chịu phạt nặng hoặc phải thực hiện các giải pháp khắc phục theo yêu cầu của EU.
Trong những tháng gần đây, Microsoft chịu sự giám sát chặt chẽ hơn ở châu Âu. Chẳng hạn như các nhà quản lý EU đang điều tra mối quan hệ đối tác giữa Microsoft và công ty khởi nghiệp phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) OpenAI - đơn vị tạo ra ChatGPT đình đám.
Theo TTXVN