/ Nhìn ra thế giới
/ EU cấm tiêu hủy quần áo tồn kho nhằm hạn chế ngành thời trang nhanh

EU cấm tiêu hủy quần áo tồn kho nhằm hạn chế ngành thời trang nhanh

06/12/2023 06:36 |

(LSVN) - Những doanh nghiệp lớn sẽ phải báo cáo hàng năm về lượng sản phẩm đã loại bỏ cũng như giải thích lý do. EU hy vọng điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp từ bỏ hành động lãng phí.

EU cấm tiêu hủy quần áo tồn kho nhằm ngăn xu hướng thời trang nhanh và giảm rác thải. Ảnh: AFP.

Ngày 5/12, Nghị viện Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) thông qua các quy định mới nhằm ngăn xu hướng thời trang nhanh và giảm rác thải, trong đó có lệnh cấm tiêu hủy quần áo tồn kho.

Kế hoạch do Ủy ban Châu Âu (EC) công bố năm ngoái cấm tiêu hủy các mặt hàng tồn kho gồm dệt may và giày dép.

Ngoài ra, EC cũng sẽ có thể mở rộng phạm vi lệnh cấm đối với những sản phẩm tồn kho khác.

Lệnh cấm được miễn áp dụng đối với các doanh nghiệp vừa trong 6 năm và miễn hoàn toàn đối với các doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp sẽ có 2 năm để thích nghi sau khi luật chính thức có hiệu lực.

Luật mới cũng sẽ đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng chủ chốt nhằm tăng tính bền vững của sản phẩm, trong đó ưu tiên đối với những sản phẩm có tác động lớn đến môi trường như quần áo, đồ nội thất, nệm cũng như hàng điện tử.

Theo quy định mới, các doanh nghiệp phải bổ sung mã kỹ thuật số, như mã QR trên mọi sản phẩm. Đây được xem như "hộ chiếu" điện tử cho các mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường EU.

Những doanh nghiệp lớn cũng sẽ phải báo cáo hàng năm về lượng sản phẩm đã loại bỏ cũng như giải thích lý do. EU hy vọng điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp từ bỏ hành động lãng phí.

Giới phân tích nhận định quy định mới sẽ hạn chế ngành thời trang nhanh, vốn trở thành xu hướng khi thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh, song lại có tác động nghiêm trọng tới môi trường.

Theo EU, ngành dệt may có tác động lớn thứ tư đối với môi trường và biến đổi khí hậu chỉ sau sản xuất thực phẩm, nhà ở và giao thông.

Theo TTXVN

Mỹ: Lãi suất cao bắt đầu tác động tiêu cực đến chi tiêu tiêu dùng

Nguyễn Hoàng Lâm