/ Tin thế giới
/ EU dỡ bỏ thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với Ukraine

EU dỡ bỏ thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với Ukraine

28/04/2022 02:30 |

(LSVN) -Ngày 27/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã có cuộc thảo luận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen về việc tăng cường hỗ trợ cho Kiev, trong đó có hỗ trợ tài chính vĩ mô.

Cảng hàng hóa ở thành phố Odessa, Ukraine. Ảnh: Reuters/TTXVN.

Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Zelensky cho biết đã gửi lời cảm ơn EC vì kế hoạch bãi bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với hàng hóa công nghiệp và thực phẩm nhập khẩu từ Ukraine. Ông nhấn mạnh bước đi này sẽ góp phần bảo vệ hoạt động sản xuất hàng hóa của Ukraine và “duy trì” nền kinh tế, vốn gánh chịu tác động nghiêm trọng từ cuộc xung đột với Nga. Hai bên cũng đề cập đến gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, bao gồm một lệnh cấm vận dầu mỏ.

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết EU thông báo sẵn sàng dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Ukraine trong một năm. Anh ngày 26/4 cũng tuyên bố sẽ giảm tất cả mức thuế với hàng hóa Ukraine.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ hy vọng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra đề nghị cung cấp tài chính bổ sung cho Ukraine, trong đó có các hạng mục dành cho an ninh lương thực. 

Trong phiên điều trần trước tiểu ban phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ, ông Blinken nhấn mạnh chiến dịch cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với an ninh lương thực của người dân Ukraine và các nước khác, bởi vì quốc gia Đông Âu này là nguồn cung cấp lúa mỳ quan trọng của thế giới. Theo Ngoại trưởng Blinken, Mỹ cũng sẽ tập trung vào các vấn đề an ninh lương thực khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hợp quốc vào tháng 5 tới.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo cuộc xung đột tại Ukraine sẽ gây ra tác động kinh tế sâu rộng cả ở nước này và trên thế giới. Thể chế tài chính này dự báo nền kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 35% trong năm nay trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 8,5%. Tác động nặng nề của cuộc xung đột tại Ukraine cũng khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% trong năm 2022 và 2023.

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cũng cho biết cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá lương thực tăng cao, tác động đặc biệt nghiêm trọng tới những người nghèo nhất. Ông đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng an ninh lương thực sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí có thể sang tận năm 2023.

TTXVN

Người lao động được nghỉ thế nào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 01/5?

Nguyễn Mỹ Linh