/ Tin thế giới
/ EU: Tiến hành hội nghị thượng đỉnh trực tiếp vào ngày 17/7, hối thúc Trung Quốc 'có đi có lại' trong thương mại và đầu tư

EU: Tiến hành hội nghị thượng đỉnh trực tiếp vào ngày 17/7, hối thúc Trung Quốc 'có đi có lại' trong thương mại và đầu tư

05/01/2021 18:06 |

Các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp tại Brussels ngày 17/7 tới để thảo luận gói phục hồi kinh tế.Cùng với đó, EU cũng gia tăng sức ép với Trung Quốc trong việc thực thi nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ thương mại và đầu tư sau cuộc họp cấp cao trực tuyến chiều 22/6.

EU sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh trực tiếp vào ngày 17/7

Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ ngày 21/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc gặp kéo dài 2 ngày và sẽ là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của EU từ khi xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Lần gần đây nhất các nhà lãnh đạo họp trực tiếp là tháng 2 và đã không đạt thỏa thuận về ngân sách khối sau hai ngày thảo luận căng thẳng. Các cuộc gặp tiếp theo đều diễn ra trực tuyến do đại dịch diễn biến phức tạp.

Theo kế hoạch, tại cuộc gặp tới, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận lộ trình phục hồi trị giá 750 tỉ euro mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đề xuất. Gói trên bao gồm 500 tỉ euro dưới dạng trợ cấp (theo gợi ý của Pháp và Đức) và 250 tỉ euro dưới dạng cho vay nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sau một "đòn giáng" chưa từng thấy. Gói phục hồi kinh tế sẽ dựa trên tiền EU đi vay trong 4 năm và phải được sự phê chuẩn của 27 quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, một nhóm tự gọi là "Bộ Tứ tằn tiện" gồm 4 quốc gia Bắc Âu gồm Hà Lan, Áo, Đan Mạch và Thụy Điển đang tìm cách kiềm chế chi tiêu, thiên về các khoản cho vay kèm theo những yêu cầu khắt khe, thay vì các khoản hỗ trợ.

Trong khi đó, một số nước khác cho rằng kế hoạch trên phân bổ tiền chưa hợp lý, dành quá nhiều cho các nước Đông Âu, những nước không nằm trong số bị tác động nhiều nhất vì Covid-19.

Vấn đề sẽ còn phức tạp hơn vì quỹ phục hồi này gắn liền với ngân sách 7 năm của EU mà các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận trong cuộc gặp tới.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Bồ Đào Nha và Slovenia đã nhất trí rằng trong 18 tháng tới, EU cần tập trung vào tái thiết về kinh tế và xã hội sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Đây là quãng thời gian ba nước đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên EU. Đức sẽ đảm nhận vào tháng 7 tới, sau đó là Bồ Đào Nha từ tháng 2/2021 và Slovenia từ tháng 7/2021.

Sau cuộc họp trực tuyến 3 bên, người phát ngôn của bà Merkel cho biết: "Chương trình chung của bộ ba sẽ tập trung vào quản lý đại dịch Covid-19 và tái thiết châu Âu về kinh tế và xã hội. Mục đích là củng cố khả năng chống chọi của EU với các cuộc khủng hoảng dịch tễ trong thời gian dài". Các nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng để giải quyết các hậu quả xã hội của dịch Covid-19, châu Âu phải nhanh chóng trở lại đà tăng trưởng kinh tế. Ba Thủ tướng cũng nhất trí các biện pháp chống biến đổi khí hậu và ưu tiên số hóa trong các nỗ lực phục hồi.

Hối thúc Trung Quốc “có đi có lại” trong thương mại và đầu tư

EU hối thúc Trung Quốc có đi có lại trong quan hệ thương mại và đầu tư. Ảnh: Reuters

Chiều tối ngày 22/6, các lãnh đạo EU đã cùng bàn thảo với Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường tại cuộc họp cấp cao trực tuyến EU - Trung Quốc nhằm thiết lập sân chơi thương mại công bằng, thực hiện các cam kết có đi có lại trong quan hệ thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.

Theo Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cho đến nay, hai phía EU và Trung Quốc vẫn chưa thực sự đạt được bước tiến trong vướng mắc này, dù phía EU đã nhiều lần nêu vấn đề với phía Trung Quốc.

“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục một mối quan hệ thương mại và đầu tư không cân bằng. Chúng tôi vẫn chưa đạt được tiến bộ nào như đã nêu ra trong tuyên bố tại cuộc họp cấp cao năm ngoái trong vấn đề về các rào cản tiếp cận thị trường. Chúng tôi cần phải tiếp tục theo đuổi các cam kết này một cách cấp bách và chúng tôi cũng cần thấy tham vọng nhiều hơn từ phía Trung Quốc để có thể hoàn tất các đàm phán về một hiệp định đầu tư”.

Trong nhiều năm gần đây, lãnh đạo EU và các nước như Đức, Pháp đã liên tiếp yêu cầu Trung Quốc thực thi nguyên tắc có đi - có lại, mở cửa thị trường nội địa Trung Quốc cho các doanh nghiệp châu Âu, bãi bỏ các quy định về chuyển giao công nghệ trong đầu tư, đồng thời đòi hỏi Trung Quốc minh bạch hơn trong việc trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước.

Phía châu Âu cho rằng do các rào cản và điều kiện cạnh tranh không công bằng do phía Trung Quốc đặt ra, các doanh nghiệp châu Âu ngày càng bị thua thiệt.

Ngoài vấn đề thương mại, trong thông cáo phát đi tối ngày 22/6 sau khi kết thúc cuộc gặp cấp cao trực tuyến với Trung Quốc, hai lãnh đạo EU là Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel đã ra thông cáo chung về cuộc họp.

Phía châu Âu tuyên bố kiên quyết bảo vệ các lợi ích và giá trị của châu Âu trong mối quan hệ đối tác phức tạp nhưng mang tính sống còn với Trung Quốc. Châu Âu cũng khẳng định, cần phải thừa nhận rằng Trung Quốc không chia sẻ các giá trị chung với châu Âu, đồng thời có những khác biệt về hệ thống chính trị và cách tiếp cận với chủ nghĩa đa phương.

Đáng chú ý, các lãnh đạo EU đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc huỷ bỏ luật an ninh Hong Kong, và cảnh báo sẽ có những hậu quả “rất tiêu cực” nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi kế hoạch này.

LÂM HOÀNG(t/h)

/bi-an-ca-lay-benh-khong-trieu-chung-am-tinh-voi-covid-19-tai-trung-quoc.html