Biểu tượng của tập đoàn công nghệ Meta. Ảnh: AFP/TTXVN.
Ngày 14/8, Meta đã chính thức khai tử CrowdTangle, một công cụ được các nhà nghiên cứu, tổ chức giám sát và nhà báo sử dụng rộng rãi để theo dõi các bài đăng trên mạng xã hội, đặc biệt là để theo dõi cách thông tin sai lệch lan truyền trên các nền tảng. Quyết định "khai tử" CrowdTangle của Meta đang gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các nhà lập pháp Mỹ và châu Âu trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới sắp bước vào các cuộc bầu cử quan trọng, trong đó có Mỹ.
Công cụ này lâu nay được các nhà nghiên cứu và nhà báo tin tưởng sử dụng để theo dõi sự lan truyền các thuyết âm mưu, ngôn từ kích động thù hận và các nội dung độc hại khác theo thời gian thực trên các nền tảng của Meta như Facebook và Instagram.
Trong một bức thư đề ngày 24/7 gửi Giám đốc điều hành Facebook, ông Mark Zuckerberg, một nhóm các nhà nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về việc Meta sẽ ngừng cung cấp công cụ quan trọng trong việc theo dõi và ngăn chặn thông tin sai lệch này, đặc biệt trong năm bầu cử quan trọng.
Trong một bức thư ngỏ đầu năm nay, tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trên phạm vi toàn cầu Mozilla Foundation đã cảnh báo việc xóa bỏ công cụ CrowdTangle sẽ đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với việc đảm bảo thông tin chính xác của các cuộc bầu cử, đồng thời kêu gọi Meta duy trì công cụ này ít nhất cho đến tháng 1/2025.
Để thay thế CrowdTangle, Meta dự định triển khai một công cụ mới có tên Thư viện nội dung (Content Library). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia công nghệ, trong đó có cả cựu Giám đốc điều hành của CrowdTangle, đã lên tiếng cảnh báo rằng công cụ mới này không phải là sự thay thế hiệu quả, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử có khả năng xuất hiện nhiều thông tin sai lệch do trí tuệ nhân tạo tạo ra. Ngoài ra, nhiều tổ chức tin tức được cho là sẽ không có quyền tiếp cận công cụ này.
Vì vậy, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu Meta muộn nhất là vào ngày 6/9 phải đưa ra các kế hoạch chi tiết về cách thức mà công ty dự định cung cấp cho các nhà nghiên cứu quyền truy cập vào dữ liệu có thể truy cập công khai trên nền tảng của mình và cách thức công ty lên kế hoạch cập nhật các công cụ có chức năng giám sát bầu cử. EC đưa ra yêu cầu này dựa theo Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số của EU. Đạo luật này nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng trực tuyến và ngăn chặn việc lan truyền nội dung độc hại.
Trước đó, hồi cuối tháng 4 vừa qua, EU đã khởi động một cuộc điều tra chính thức đối với hai nền tảng Facebook và Instagram của Meta, do lo ngại các nền tảng này không ngăn chặn và ứng phó được trước tình trạng lan tràn thông tin sai lệch.
Theo TTXVN