Theo đó, khoản 15 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định, các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử sau khi được sửa đổi, bổ sung gồm:
1. Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
2. Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng;
(Nghị định mới đã thay đổi từ hình thức người tham gia được lập các website nhánh thành người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng).
3. Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;
4. Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định tại các mục 1, 2, 3 nêu trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó (bổ sung mới).
Như vậy, từ ngày 01/01/2022, thời điểm có hiệu lực của Nghị định 85/2021/NĐ-CP, bên cạnh hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử thông qua website như trước đây, thương nhân, tổ chức còn được thực hiện hoạt động thương mại điện tử thông qua các mạng xã hội như: Facebook, zalo,...
Theo đó, người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp các hoạt động mua bán phải trả phí và thực hiện đăng ký theo quy định.
Ngoài ra, Nghị định 85/2021/NĐ-CP còn bổ sung thêm quy định về dịch vụ thương mại điện tử, cụ thể:
Dịch vụ thương mại điện tử là hoạt động thương mại điện tử theo đó thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thiết lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
VŨ QUÝ