Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, sau 1 tuần (từ ngày 01 - 07/7) thực hiện Thông tư 28/2024/TT-BCA liên quan quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm soát 26.961 trường hợp trên ứng dụng định danh quốc gia VneID.
Bên cạnh đó, đã lập biên bản 6.892 trường hợp vi phạm; tạm giữ khoảng 2.000 bằng lái các loại. Trong số đó, 499 trường hợp bị thu bằng lái xe trên môi trường điện tử, tích hợp vào VNeID.
Cục CSGT cho biết thêm, quy định cho phép kiểm tra, tước giấy tờ tài xế vi phạm thông qua môi trường điện tử giúp hạn chế tình trạng sử dụng bằng lái xe, giấy đăng ký xe giả khi xuất trình. Đồng thời, điều này còn giúp người dân thuận tiện hơn khi tham gia giao thông, tránh phải mang theo quá nhiều bản cứng của giấy tờ.
Trường hợp tài xế đã bị thu, tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử mà tiếp tục vi phạm ở một địa điểm khác, lực lượng chức năng sẽ đồng thời kiểm tra trên cả hệ thống cơ sở dữ liệu, từ đó phát hiện ra tình trạng giấy tờ (bị xử lý ở đâu, có đang bị tước, tạm giữ hay không), tránh việc người vi phạm đã bị tước giấy tờ trên môi trường điện tử, vẫn dùng giấy tờ bản cứng để xuất trình.
Theo quy định tại Thông tư 28/2024/TT-BCA có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7, lực lượng CSGT thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các loại giấy tờ như bằng lái xe, giấy đăng ký xe... thông qua thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản VNeID. Trường hợp tài xế vi phạm luật, CSGT tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với người đó và ra quyết định tạm giữ/tước giấy tờ theo quy định với các lỗi bị tước giấy tờ trên môi trường điện tử (không tạm giữ giấy phép lái xe bản gốc). Trong thời gian giấy tờ liên quan người lái và phương tiện bị tước trên VNeID, tài xế nếu tiếp tục vi phạm mà sử dụng giấy tờ vật lý thì sẽ không có tác dụng vì CSGT sẽ kiểm soát, tra cứu trên hệ thống. |
HUY VŨ
Công chức, viên chức, người về hưu đều được tăng lương ngay từ ngày 01/7/2024