/ Luật sư trực ban
/ Giả danh Luật sư để lừa đảo: Xử lý thế nào?

Giả danh Luật sư để lừa đảo: Xử lý thế nào?

19/09/2022 22:58 |

(LSVN) - Cá nhân không đủ điều kiện hành nghề Luật sư mà hành nghề Luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại, thì phải bồi thường theo quy định.

 

Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) đã chuyển chuyển kết luận điều tra sang VKSND cùng cấp truy tố Nguyễn Thành Công (36 tuổi, ngụ xã Krông Jing, huyện M’Drắk) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo điều tra, Công không có nghề nghiệp ổn định, do không có tiền tiêu xài nên nảy sinh ý định giả danh Luật sư để chiếm đoạt tài sản. Để thực hiện hành vi lừa đảo, giả danh Luật sư, Công đã mua bằng cử nhân luật, thẻ Luật sư giả và con dấu cá nhân có in chữ Liên đoàn Luật sư Việt Nam,… Công còn sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để thường xuyên đăng hình ảnh, thông tin trong nhóm “Luật sư tư vấn miễn phí”. Từ tháng 11 đến tháng 12/2021, Công đã lừa đảo liên tiếp nhiều người dân trên địa bàn.

Trong đó, đáng chú ý là vụ việc Công nhận 60 triệu đồng của gia đình bị cáo H.X.T. (36 tuổi, ngụ xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) và hứa sẽ giúp bị cáo này hưởng án treo. Do không làm được như cam kết, nên người nhà đã gọi điện đòi lại tiền, nhưng không liên lạc được Công.

Liên quan đến vấn đề này, theo Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Điều 92 Luật Luật sư quy định rõ, cá nhân không đủ điều kiện hành nghề Luật sư mà hành nghề Luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại, thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 

Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Một người chỉ có tư cách Luật sư, được hành nghề Luật sư khi có đủ các điều kiện sau:

- Có Chứng chỉ hành nghề Luật sư do Bộ Tư pháp cấp;

- Đã gia nhập một Đoàn Luật sư;

- Được Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp Thẻ Luật sư;

- Phải đăng ký hành nghề tại một Tổ chức hành nghề Luật sư hoặc đăng ký hành nghề Luật sư với tư cách cá nhân.

Người không có đủ điều kiện hành nghề Luật sư mà hành nghề Luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì coi là hành nghề Luật sư bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, người hành nghề Luật sư không đúng hình thức hành nghề theo quy định của Luật Luật sư; hành nghề khi chưa được cấp giấy đăng ký hành nghề Luật sư với tư cách cá nhân bị xử phạt theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Điểm e khoản 7 Điều 6  Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, hành vi cung cấp dịch vụ pháp lý, hoạt động tư vấn pháp luật với danh nghĩa Luật sư hoặc mạo danh Luật sư để hành nghề Luật sư; treo biển hiệu khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư hoặc chưa gia nhập Đoàn Luật sư, bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Trường hợp giả danh Luật sư, hành nghề Luật sư trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ96.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) (được bãi bỏ)

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) (được bãi bỏ)

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

TIẾN HƯNG

Đề xuất giao dịch bất động sản bắt buộc phải qua sàn: Liệu có hợp lý?

Lê Minh Hoàng